Tính chung, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; xuất khẩu lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; xuất khẩu nhóm nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 750 triệu USD, giảm 24%; xuất khẩu lâm sản đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%; nhóm nông sản 2,16 tỷ USD, tăng 11,5%. Như vậy, trong 3 trụ cột của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thì 2 trụ cột lâm sản và thủy sản đều tăng trưởng âm ở mức 2 con số.
Trong lĩnh vực lâm sản, chuyên gia cho rằng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản từ đầu năm đến nay giảm mạnh là do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nên Chính phủ ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, năm nay, đơn hàng gỗ và thủy sản giảm rất nhiều. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), VASEP và có những giải pháp rất kịp thời, đặc biệt gói vay 15.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi làm việc với VASEP và VIFOREST thì chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này. Nếu sớm giải ngân được gói vay 15.000 tỉ đồng là nguồn lực rất quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, theo chuyên gia nhận định, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên là nền kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu mặt hàng này sụt giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc trong khi đây vốn là 3 thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Các thị trường khác cũng đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.
Mặt khác, nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nửa cuối năm 2022. Nhưng trái với dự đoán, lượng tiêu thụ cá tra không đạt như kỳ vọng khiến lượng tồn kho tăng cao và kéo dài đến đầu năm 2023. Hệ lụy là giá nhập khẩu cũng bị cạnh tranh với hàng tồn kho khiến mặt hàng cá tra mới cũng bị cạnh tranh về giá tại các thị trường.
Dù vậy, vẫn có điểm sáng trong bức tranh năm 2023 là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Đây được coi là niềm hy vọng của các doanh nghiệp cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống. Dự báo các tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra quý 3 sang Hoa Kỳ có thể chững lại, tuy nhiên, VASEP kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu, xuất khẩu cá tra có thể cao hơn nửa đầu năm 2023.
Nếu như 2 trụ cột lâm sản, thủy sản tăng trưởng âm thì nhóm nông sản là điểm sáng khi xuất khẩu 8 tháng đầu năm mang về 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau, quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%.
Ông Phùng Đức Tiến cho hay, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 5,85 triệu tấn, thu về 3,17 tỷ USD. Đây là ngành rất quan trọng trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu khủng hoảng. Thời gian cho một vụ lúa chỉ 3 tháng, ngành nông nghiệp tập trung cao độ vào vụ hè thu và đông xuân 2023 - 2024 để xuất khẩu cả năm trên 7,5 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4 tỷ USD.
Ngọc Phi (TH)