Thương mại với các nước châu Phi: Mang màu sắc mới

21:53 10/05/2021

Từ nhu cầu thực tế phải tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để phá thế bị bao vây, cô lập ở những năm đầu thập kỷ 90, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến nay đã mang một sắc thái mới.

Hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Từ nhu cầu thực tế phải tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để phá thế bị bao vây, cô lập ở những năm đầu thập kỷ 90, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến nay đã mang một sắc thái mới.

Ngược thời gian trở về những năm 1955, các tổ chức kinh tế Việt Nam mới chỉ đặt quan hệ xuất nhập khẩu với các công ty Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Sri Lanka,… và đến năm 1964, miền Bắc đã có quan hệ thương mại với 40 nước so với 10 nước của năm 1955.

Tuy nhiên, đặc điểm cơ bản của hoạt động ngoại thương giai đoạn 1955- 1975 là xuất khẩu tăng chậm và xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa, các nước này chiếm từ 85 - 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ta với nước ngoài.

Bắt đầu từ năm 1986, hoạt động ngoại thương của Việt Nam mới thực sự có những bước tiến vượt bậc. Nhờ thực hiện chính sách mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại đến nay, Việt Nam đã có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 100 nước và lãnh thổ thuộc đủ các châu lục trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác thương mại với EU; bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (12/7/1995); Việt Nam đã gia nhập ASEAN (năm 1995). Ngoài ra, nước ta cũng đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mở rộng xuất nhập khẩu và hợp tác kinh tế với các nước và các tổ chức kinh tế khu vực.

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này đã có sự thay đổi rất cơ bản. Quan hệ thương mại với các nước thuộc khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Đại dương tăng dần trong xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; trong khi đó, quan hệ thương mại với khu vực châu Âu, đặc biệt là Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô (cũ) giảm mạnh vào những năm 80 và nửa đầu 1990.

Đến năm 2001-2010, hoạt động ngoại thương của ViệtNam đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Việt Nam chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Đây trở thành cột mốc quan trọng đối với hoạt động thương mại của Việt Nam. Tiếp đó là đàm phán FTA song phương với EU, Nhật Bản, Chi Lê được khởi động và thu được những kết quả quan trọng. Đến tháng 12/2008, Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản được ký kết. Trong giai đoạn này, các thị trường chủ lực vẫn là châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương. Trong đó, chủ yếu là: ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.

Còn trong giai đoạn năm 2011 – 2020, về cơ bản, khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng ổn định trên dưới 50% trong tổng giá trị xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã và đang không ngừng đa dạng hóa nhóm mặt hàng xuất khẩu theo từng thị trường cụ thể cũng như đa dạng hóa thị trường cho các nhóm mặt hàng cụ thể để linh hoạt với sự thay đổi của nhu cầu thị trường.

Một khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam phải kể đến nữa là Tây Á – châu Phi, khu vực với quy mô dân số hơn 1,6 tỷ dân. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Công Thương, quy mô thương mại giữa Việt Nam với các nước Tây Á – châu Phi cũng tăng trưởng vượt bậc, từ vài trăm triệu USD những năm 90 của thế kỷ trước đã tăng lên 31 tỷ USD vào năm 2019.

Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cho Việt Nam bước sang một trang mới, tầm cao mới, góp phần phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực Á – Phi một cách bền vững.

PV