Hỗ trợ trẻ em, học sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2022 ND- CP, có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, quy định chính sách hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các cơ sở giáo dục có trẻ em thuộc diện hưởng chính sách cũng được thụ hưởng theo quy định.
![]() |
Nghị định số 66/2022 ND- CP, có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, quy định chính sách hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. |
Một điểm mới quan trọng là việc mở rộng đối tượng hưởng chính sách sang trẻ em nhà trẻ bán trú từ 3 tháng đến 3 tuổi – nhóm chưa từng được hỗ trợ trong các nghị định trước đây. Theo đó, mỗi trẻ sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng tiền ăn trưa (tối đa 9 tháng/năm học), còn các cơ sở giáo dục có nhóm trẻ bán trú sẽ được cấp 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻđể tổ chức quản lý buổi trưa.
Mức hỗ trợ này cao hơn gấp đôi so với mức được quy định trong Nghị định 105/2020/NĐ-CP dành cho trẻ mầm non từ 3–6 tuổi, cho thấy định hướng đầu tư từ sớm vào giáo dục trẻ nhỏ nhằm đảm bảo bình đẳng và phát triển toàn diện.
Siết chặt quy định xử phạt vi phạm hành chính
![]() |
Từ ngày 2/5/2025, Nghị định số 68/2025/NĐ- CP chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể cách xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. |
Từ ngày 2/5/2025, Nghị định số 68/2025/NĐ- CP chính thức có hiệu lực, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 118/2021/NĐ- CP, hướng dẫn chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một trong những thay đổi nổi bật là quy định cụ thể cách xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Đáng chú ý, khi có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, mức phạt sẽ áp dụng ở mức tối đa của khung. Ngược lại, nếu có từ 2 tình tiết giảm nhẹ, mức phạt sẽ ở mức tối thiểu.
Việc quy định rõ ràng này giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong xử lý vi phạm, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt cho người xử phạt khi xem xét tình huống cụ thể.
Tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp
Ngày 4/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025, thay thế mức bồi dưỡng trước đây tại Quyết định 01/2014/QĐ-TTg.
Theo đó, giám định viên thực hiện giám định trên người sống sẽ được hưởng mức 400.000 đồng/nội dung (giám định thông thường) và 500.000 đồng/nội dung đối với giám định hội chẩn chuyên môn sâu – tăng đáng kể so với mức cũ (từ 160.000 đến 300.000 đồng tùy trường hợp).
Chính sách mới này nhằm ghi nhận và nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp, vốn có vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng và bảo đảm công lý.