Mới đây, Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (VietShrimp 2023) với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”.
VietShrimp 2023 là một trong những Hội chợ triển lãm có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất về ngành tôm Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Quy mô Hội chợ triển lãm năm nay có 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, vaccine, quy trình, công nghệ… và dự kiến thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan. Các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có tâm và có tầm.
Tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm nay, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VietShrimp 2023, nhấn mạnh: “Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế, ngành tôm đã và đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tất yếu phải nâng tầm chuỗi giá trị”.
Theo đó, phát triển bền vững chuỗi giá trị con tôm là rất cần thiết. Để làm được điều này cần sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi ngành tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam.
VietShrimp 2023 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” được tổ chức với mong muốn trở thành “cầu nối” của cả 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam.
Được biết, VietShrimp được tổ chức rất thành công 3 lần vào các năm 2016, 2018 và 2020, đã tạo được một dấu mốc quan trọng với ngành tôm Việt Nam khi lần đầu tiên trong nước xuất hiện một Hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tạp chí Thủy sản Việt Nam và Công ty TNHH VietnamMedia là 2 đơn vị được Hội Nghề cá Việt Nam giao tổ chức sự kiện này.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế - Tổng Cục Thủy sản cho biết, trong suốt những thập kỷ qua, cộng đồng ngành tôm Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để đưa sản phẩm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỉ USD, xuất khẩu sang 108 thị trường trong đó có 9 thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) chiếm hơn 97% tổng giá trị.
Năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước đạt 737.000 ha, trong đó diện tích tôm sú 622.000 ha, tôm chân trắng 115.000 ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 1,08 triệu tấn (trong đó tôm sú hơn 271.000 tấn, thẻ chân trắng gần 744.000 tấn).
Tuy nhiên, dù hoạt động xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu… Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước khác, dẫn đến giá sản phẩm kém cạnh tranh. Chuỗi giá trị tôm Việt chưa thật sự đạt được hiệu quả tối ưu.
Theo bà Dung, năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt.
P.V (t/h)