Cũng giống như các công ty, các quốc gia vay vốn từ các chủ nợ trong nước và quốc tế. Các quốc gia phát hành trái phiếu để đổi lấy khoản nợ. Tuy nhiên, do dòng tiền vào không đủ, quốc gia này thường không trả được số tiền gốc cũng như số tiền lãi của khoản vay cho các chủ nợ trong nước hoặc quốc tế cũng như các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này được gọi là vỡ nợ có chủ quyền.
Báo cáo cho biết từ năm 2020 đến quý 1 năm 2023 đã xảy ra 14 vụ vỡ nợ liên quan đến 9 quốc gia bao gồm Belarus, Liban¸ Ghana, Sri Lanka, Zambia, Argentina, Ecuador, Suriname và Ukraine. Trước đó, giai đoạn từ 2000-2019 chỉ xảy ra 19 vụ vỡ nợ liên quan đến 13 quốc gia.
Fitch Ratings nhấn mạnh các quốc gia vỡ nợ từ năm 2020 đến nay tốn nhiều thời gian hơn để tái cấu trúc nợ, thời gian vỡ nợ kéo dài của những nước này trung bình là 107 ngày, cao hơn 35 ngày so với mức trung bình của năm 2020. Có 5 quốc gia chưa trả được nợ và 13 nước thị trường mới nổi bị xếp hạng tín nhiệm mức CCC+ hoặc thấp hơn.
Theo báo cáo, môi trường tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm thấp. Nhiều quốc gia có chủ quyền bị xếp hạng tín nhiệm mức CCC+ đồng nghĩa nguy cơ vỡ nợ cao.
Vào đầu năm nay, đánh giá xếp hạng tín nhiệm trung bình của các nước thị trường mới nổi rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử là BB-. Tổng cộng 13 quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm ở mức CCC+ hoặc thấp hơn, chiếm 16% các nước thị trường mới nổi, trong đó Argentina ở mức C, El Salvador và Ukraine ở mức CC, Ethiopia và Pakistan mức CCC-, Congo, Mozambique và Tunisia CCC+.
Fitch Ratings chỉ rõ gánh nặng nợ của chính phủ liên tục tăng trong 10 năm qua, trong đó đồng USD mạnh lên đã gây cú sốc nghiêm trọng đối với các nước thị trường mới nổi vay mượn nhiều ngoại tệ.
Trong số các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm, tỷ lệ nợ trung bình của chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng đều đặn từ 31% năm 2008 lên 48% trước COVID-19 và tăng mạnh lên 60% vào cuối năm 2020, sau đó giảm xuống còn 56% vào cuối năm 2022, liên quan đến lạm phát .
Điều này phần nào phản ánh các quốc gia có nền tảng tín dụng tương đối yếu đã dựa vào thị trường trái phiếu châu Âu và Trung Quốc để vay nhiều hơn trong những năm gần đây.
Bên cạnh nợ chính phủ liên tục tăng trong 10 năm qua, các quốc gia có sức bền tương đối thấp rất khó ứng phó với một loạt tình huống bất ngờ, bao gồm cú sốc nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát toàn cầu và chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột.
Hai trong số những tác động chính của vỡ nợ quốc gia là lạm phát gia tăng và thất nghiệp. Tuy nhiên, vỡ nợ chính phủ cũng ảnh hưởng đến lãi suất, chứng khoán trong nước và tỷ giá hối đoái.
Khi một quốc gia không trả được nợ, quốc gia đó thường tiếp cận IMF để được hỗ trợ dưới hình thức các khoản vay và các gói phục hồi. Ví dụ, vào ngày 17/4/2022, Sri Lanka đã tiếp cận IMF lần thứ 17 để xin gói cứu trợ trị giá 4 tỷ USD. Quốc gia vỡ nợ cũng tiếp cận các đồng minh đơn phương và song phương để xoa dịu khủng hoảng kinh tế.
Hơn nữa, quốc gia vỡ nợ cũng có thể tham gia vào kế hoạch tái cấu trúc nợ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kéo dài ngày trả nợ hoặc phá giá đồng tiền của họ. Việc phá giá tiền tệ có nghĩa là trả nợ nhanh hơn, sản phẩm xuất khẩu rẻ hơn và khởi động nền kinh tế.
Các quốc gia đã vỡ nợ trong khoản vay của họ:
Năm 1557, Tây Ban Nha trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, quốc gia châu Âu này đã 15 lần vỡ nợ. Argentina đã vỡ nợ vào năm 2001 trị giá 132 tỷ USD. Tiếp theo đó, quốc gia Nam Mỹ lại vỡ nợ vào năm 2016 và 2020.
Nga đã vỡ nợ vào năm 1918 và 1998. Sau khi Liên Xô tan rã, vào năm 1993, Nga thừa hưởng khoản nợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD theo yêu cầu của các chủ nợ và để đổi lấy hỗ trợ tài chính đã hứa, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên nước này khi chiến sự ở Ukraine nổi lên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng Nga một lần nữa có thể vỡ nợ các khoản vay trị giá 117 tỷ USD.
Ukraine đã vỡ nợ các khoản vay vào năm 1998 và 2020.
Từ năm 2017 đến 2018, quốc gia Mỹ Latinh Venezuela đã vỡ nợ các khoản vay trị giá 60 tỷ USD.
Hy Lạp đã vỡ nợ hai lần vào năm 2015 trị giá lần lượt là 1,7 tỷ USD và 456 triệu euro.
Ecuador vỡ nợ vào năm 2008 và 2020.
Mexico vỡ nợ vào năm 1982 và 1995.
Năm 2010, quốc gia châu Phi Jamaica vỡ nợ trị giá 7,9 tỷ USD.
Lâm Nghi