Vốn 'bung' chậm sẽ bất lợi cho tăng trưởng kinh tế

00:00 12/10/2020

Một trong những lý do không tán thành được đại biểu Quốc hội đưa ra là việc giao vốn của nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Ngoài ra, năng lực thực hiện của tổ chức, cá nhân được giao còn hạn chế.

Các đại biểu cho rằng cần thiết phải xử lý dứt điểm căn bệnh giải ngân chậm, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch diễn ra trong nhiều năm qua.

Căn bệnh cố hữu

Chậm giải ngân vốn đầu tư công tất yếu sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, bởi dòng vốn này "bung" chậm sẽ không có tác dụng kích cầu, kể cả cầu sản xuất và cầu tiêu dùng các sản phẩm được đưa vào tiêu dùng để giá trị cuối cùng được tính vào tăng trưởng.

Vốn đầu tư công còn có tác dụng như nguồn vốn mồi đầu tư vào các khâu, lĩnh vực thiết yếu để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trăn trở về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Tp.HCM) nhấn mạnh, đây là vấn đề được thảo luận rất nhiều ở các kỳ họp Quốc hội trước đó nhưng "không thấy Chính phủ có giải pháp nào mạnh mẽ về vấn đề này".

Bà Tuyết đặt ra nghi vấn có hay không chuyện thiếu vốn nên giải ngân chậm, hay do thủ tục phức tạp, hoặc việc bố trí vốn chưa phù hợp.

Trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra cho thấy, trong năm 2017 vẫn còn tình trạng một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định…

Một số địa phương còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán…

Kết quả kiểm toán có 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Số liệu từ KTNN cũng cho thấy, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015, song chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao, tăng 19.488 tỷ đồng so với số quyết toán năm 2016, bằng 19,4% tổng chi cân đối NSNN và là mức cao nhất trong ba năm gần đây.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) thẳng thắn cho biết chưa tán thành với phân tích nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội như thủ tục giải ngân rườm rà hoặc một số nội dung khác "đổ lỗi" do quy định pháp luật chưa hợp lý.

Theo bà Mai, điều này cần nhìn nhận chính xác hơn, bởi nếu năm 2016- 2017, khó khăn có thể do thủ tục nhưng tới năm 2018-2019, không thể đổ lỗi như vậy do các thủ tục đã hoàn tất.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Đoàn Sóc Trăng) dẫn ví dụ trường hợp sân bay Long Thành, từ ngày Quốc hội cho chủ trương bố trí vốn đến nay gần ba năm nhưng dự án mới chỉ lo xong thủ tục, chưa nói đến công tác giải phóng mặt bằng.

san-bay-long-thanh-2604-1558616205.jpg

Ba năm sau chủ trương bố trí vốn, dự án sân bay Long Thành mới lo xong thủ tục

Sửa luật để bứt phá

"Toàn bộ hồ sơ mời thầu, xét thầu, chấm thầu, tổ chức công bố giải phóng mặt bằng phải theo trình tự, không thể làm khác được, mất rất nhiều thời gian. Khi có được phương án kiến trúc nhà ga, chúng tôi mới có thể thực hiện đấu thầu quốc tế, xét thầu, công bố trúng thầu… Những công việc này mất hơn một năm. Như vậy, chỉ thi kiến trúc và lập dự án đã mất gần hai năm", Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Từ thực tế trên, ông Thể đề nghị thay đổi cách bố trí vốn và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư công cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng hiện nay, Luật Đầu tư công còn một số vướng mắc, trong đó cần sửa đổi là thay đổi quy định phương thức lựa chọn dự án đầu tư được đưa vào phân bổ vốn trong số các dự án thuộc danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo đó, thay vì dự án phải được phê duyệt đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, có nghĩa là dự án phải được xây dựng và thẩm định sơ bộ từ 5 năm trước kỳ kế hoạch như quy định hiện hành, Luật Đầu tư công nên bổ sung thêm kế hoạch đầu tư công ba năm theo phương thức cuốn chiếu (năm kế hoạch cộng với hai năm dự kiến tiếp theo).

Như vậy, dự án đó sẽ có hai năm để rà soát, hoàn thiện lại và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đến năm kế hoạch được phân bổ vốn, dự án đã có đầy đủ thủ tục và bắt tay vào giải ngân được ngay.

Các Đại biểu hy vọng, trong phiên họp sáng 28/5 tới, những ý kiến của Đại biểu sẽ được Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trước khi được bấm nút biểu quyết thông qua trong phiên họp sáng 13/6.

"Việc sửa đổi Luật Đầu tư công có ý nghĩa lâu dài nhằm từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đó có việc xử lý dứt điểm căn bệnh giải ngân chậm, giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch diễn ra gần đây", Đại biểu Nguyễn Văn Thể nói.

Hoàng Hà