Tạo chỗ đứng toàn cầu cho thương hiệu Việt

00:00 12/10/2020

Việc đầu tư ra nước ngoài dù thuận lợi hay khó khăn vẫn đang chờ sự mạnh dạn hơn từ những doanh nghiệp thuần Việt có tiềm lực nhằm tạo dựng chỗ đứng toàn cầu cho thương hiệu Việt.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển vừa diễn ra ở Stockholm (Thụy Điển), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan L_fven đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) hai nước.

Trong đó nổi bật là Dự án hợp tác của liên doanh ba bên giữa NutiFood –Tập đoàn Backahill – Hợp tác xã các nông trại chăn nuôi bò sữa Sk_ nemejerier Ekonomisk F_rening – về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB – một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển.

Kỳ vọng một làn sóng

Nhà máy sữa này ở giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, có tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em. Khi hoàn thiện đầu tư giai đoạn 2 sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic cao cấp đóng lon, hướng đến phân phối không chỉ ở châu Âu, châu Á, mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

Chia sẻ tại Diễn đàn này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Nutifood, có nói: Chúng tôi tự hào là công ty Việt Nam đầu tiên đầu tư vào Thụy Điển. Trong chiến lược vươn ra thế giới của mình, chúng tôi đã chinh phục được thị trường Mỹ, đây là bước tiếp theo để chúng tôi chinh phục thị trường châu Âu.

"Sau khi chúng tôi đầu tư thành công vào Thụy Điển, hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư vào các nước phát triển của các DN mạnh ở Việt Nam", ông Hải bày tỏ.

Điều ông Hải nói cũng chính là sự kỳ vọng đối với nhiều DN hàng đầu Việt Nam hiện nay là cần tạo dựng chỗ đứng toàn cầu cho thương hiệu Việt.

Thực ra, số vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tính đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và vẫn đang chờ đợi sự mạnh dạn hơn từ những DN mạnh.

Số liệu mới đây từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 183 triệu USD. Trong đó có 55 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 98,3 triệu USD.

Nếu tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái, số dự án đăng ký mới đầu tư ra nước ngoài chỉ tăng 5 dự án (tăng 12,8%) nhưng tổng vốn đăng ký mới lại giảm đến 34 triệu USD (giảm 26,3%).

Tuy nhiên, có một điểm đáng ghi nhận là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có xu hướng mở rộng sang rất nhiều địa bàn mới như Tây Ban Nha, Malaysia, Nam Phi, Malta, Rumani, Ai Cập, Hà Lan, Phần Lan, Ba Lan trong các lĩnh vực: thương mại, xây dựng, dịch vụ quản lý, tin học, dịch vụ lưu trú – nhà hàng, nghiên cứu công nghệ.

Đơn cử như chỉ với một dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư.

Tính đa dạng được thể hiện rõ nét trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam cũng là điều đáng ghi nhận. Từ ngành nghề đầu tư, quy mô, cho đến hình thức đầu tư, nhất là sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

tao-cho-dung-toan-cau-cho-thuo-8347-9790

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan L_fven đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Xu hướng tất yếu

Việc vươn ra thị trường toàn cầu dù thuận lợi hay khó khăn, theo các nhà phân tích kinh tế, phải là xu hướng tất yếu mà DN Việt có tiềm lực cần xác định. Tức là phải đưa DN của mình vượt khỏi tầm quốc gia, đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu. Hơn nữa, việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của DN Việt trên trường quốc tế.

Như chia sẻ của ông Trần Thanh Hải khi đưa tên tuổi một DN thuần Việt trong ngành sữa dinh dưỡng ra đầu tư ở nước ngoài, đó là chứng minh năng lực của người Việt Nam và xây dựng DN phát triển bền vững.

Từng có kinh nghiệm sáng lập và làm việc cho những công ty có tính toàn cầu, trong câu chuyện đầu tư của DN Việt, bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu giám đốc Facebook Việt Nam, bày tỏ băn khoăn là tại sao Việt Nam đến giờ lại không có những công ty mang tính toàn cầu, trong khi các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn không ngừng đổ xô về thị trường Đông Nam Á này.

Đầu tư ra nước ngoài đối với những DN Việt cỡ vừa, không ở đâu xa, ngay tại thị trường khu vực này. Theo bà Trang, 100 triệu dân tại thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn mà phải là 600 – 700 triệu dân của Đông Nam Á.

"Tại sao các công ty Việt Nam vẫn còn chưa ra được khu vực Đông Nam Á. Có khó hay không; Thái Lan hay Indonesia có phải là quá xa hay không; hay là do DN Việt chưa thực sự tự tin để bước ra ngoài môi trường kinh doanh mà mình vốn dĩ đã quen thuộc?", bà Trang băn khoăn.

Một vấn đề khác được đặt ra là làm sao để DN Việt có thể tăng được quy mô nếu muốn đầu tư vươn ra những thị trường lớn. Chẳng hạn với thị trường công nghệ 600 triệu dân của khu vực Đông Nam Á, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng các DN công nghệ Việt không thể xây dựng một sản phẩm mà trong đó chỉ có thể chịu được lượng truy cập của vài triệu người dùng mà cần phải giải được bài toán là làm sao có thể phục vụ được cả thị trường khu vực này.

Bài toán này lại được đặt ngược lại là cho các DN công nghệ Việt là khả năng kỹ thuật của mình đã thực sự theo kịp với khu vực và thế giới hay chưa, nhất là về khả năng để tăng được quy mô toàn cầu trong sản phẩm của mình.

Thế Vinh