Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch sẽ giải trình trong phiên họp hôm nay.

Hôm nay 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đây là ngày thứ 2 Quốc hội tập trung thảo luận về nội dung này. Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên Kênh Thời sự  (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu 

Sáng nay có 66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch sẽ giải trình trong phiên thảo luận này.

Trước đó, hôm qua, tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nhiều tín hiệu tích cực về phát triển kinh tế - xã hội với những con số ấn tượng. Tuy nhiên, các đại biểu nêu quan tâm đến tiến độ giải ngân chậm trong đầu tư công. Về nguyên nhân của tình trạng trên, một số đại biểu nhấn mạnh, thông qua giám sát có thể khẳng định nguyên nhân chính của giải ngân chậm là do tổ chức thực hiện chứ không phải do vướng mắc trong hệ thống luật.

Cụ thể: 9 tháng qua, giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ 2018, đạt 49% kế hoạch, trái phiếu chính phủ đạt 23%; vay nước ngoài 18,8%... Theo các đại biểu, cần cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm.

Phiên thảo luận sáng 31/10 có 66 đại biểu đăng ký phát biểu 

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án trong số 14 dự án giao thông cấp bách và khởi công thêm 12 gói thầu trong kế hoạch đầu tư công. Tại khu vực phía Bắc tiếp tục triển khai các tuyến giao thông theo trục dọc như tuyến Hòa Bình – Sơn La, Chi Lăng – Hữu Nghị - Đồng Đăng, Hạ Long – Móng Cái… Tuyến giao thông liên kết ngang tập trung vào 4 dự án là quốc lộ 4C, 4D, quốc lộ 209 và quốc lộ 37.

Đối với khu vực miền Trung, sẽ mở rộng kết nối cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Khu vực miền Tây Nam Bộ, tập trung vào 3 trục dọc gồm đường cao tốc từ Tp.Hồ Chí Minh – Cần Thơ kết nối xuống Cà Mau, quốc lộ 60 và đường R2 đi từ Củ Chi qua Đồng Tháp Mười đến Kiên Giang./.

PV