Nghề báo - nghề dấn thân

00:00 12/10/2020

Nhiều người thường ví báo chí giống như “trọng pháo” dùng để “công phá” những điểm “đen” giúp dư luận tìm ra chân lý. Có lẽ vì thế mà từ rất lâu phương Tây đã ca ngợi báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư (chỉ sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Song có ai biết rằng, để có được ánh hào quang đấy, những người làm báo như chúng tôi không biết phải trải qua biết bao những cuộc “dấn thân” đầy “máu lửa”.

Tác giả trong một chuyến đi rừng

Nghề báo, chúng tôi vẫn thường gọi là “nghề dấn thân”. Những người làm báo dấn thân chẳng khác nào những gã hành khất suốt ngày lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm trên lãnh thổ hình chữ S này để tìm kiếm thông tin. Sau những ngày gối mỏi chân chùn, chúng tôi sẽ chọn cho mình một dịp thích hợp để ngồi với nhau hàn huyên chuyện nghề.

 Năm 2013, tôi với một anh bạn đồng nghiệp bên Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với nhau điều tra vụ khai thác gỗ trái phép ở vùng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương. Bấy giờ, trong vai người mua gỗ, chúng tôi đã kết nối thành công với nhóm lâm tặc. Tuy nhiên, để vào được “thủ phủ” khai khác gỗ lậu là điều không hề đơn giản. Bởi, lâm tặc rất cảnh giác, đường vào “thủ phủ” khai thác gỗ lậu luôn có “chim lợn” dọc đường để làm tiền trạm theo dõi mọi động tĩnh của người lạ.

Lần đó, sau khi vượt qua nhiều “tiền trạm”, chúng tôi cũng được nhóm lâm tặc tin tưởng thu xếp cho một chốn ăn uống, ngủ nghỉ. Nơi chúng tôi trú ngụ là căn nhà của một gã tên T. Chứng kiến ngôi nhà dựng bằng những cây cột to như bánh xe ô tô, một bộ phản rộng, bóng loáng, dày cả gang tay, tôi không khỏi choáng ngợp. T cho biết, thôn của gã có 59 hộ thì cả 59 hộ có nhà sàn, nên chuyện phá rừng lấy gỗ làm nhà, rồi một thời gian sau họ hợp thức hóa bằng cách dỡ nhà ra bán thì chẳng có gì lạ. Dù chia sẻ nhưng chốc chốc mắt T. lại liếc ngang, xéo dọc với ẩn ý đầy cảnh giác, kể cả chúng tôi là đối tác làm ăn.

Để hợp với vai là “tay buôn” chơi ngông, hòng xóa nhòa đi sự nghi ngờ của nhóm lâm tặc, chúng tôi không ngại chi tiêu, hết mua bim bim, nước ngọt, bánh kẹo, hoa quả chiêu đãi lũ trẻ con gần đó, lại mua vài cây thuốc lá cho nhóm thanh niên trong thôn hút tơi bời. Xong rồi lại giục T. lấy xe máy chở tôi đi khắp xóm mua gà, ngan về giết thịt uống rượu, chỉ với hy vọng thông qua cuộc “chén chú, chén anh” để lấy lòng chúng mới có cơ hội được đi theo đến “thủ phủ” khai thác gỗ lậu.

Tối hôm đó, bên mâm rượu khá đông người, sau nhiều lần cạn chén, chúng tôi lần mò hỏi chuyện tại sao có nhiều nhà sàn to thế, gỗ lấy đâu nhiều thế mà làm. Đến lúc ngà ngà hơi men, một tay tên L. bảo: “Các chú thích đi rừng thì mai theo anh vác gỗ”. Vớ được nguồn tin quý, chúng tôi nhận lời ngay. Bỗng nhiên, một gã tên B.V.D. tỏ vẻ nghi ngờ, cứ tìm cách xem chứng minh thư chúng tôi. Suýt nữa bị lộ, vì chứng minh thư của tôi ghi quê quán Thanh Hóa, nhưng trước đó tôi giới thiệu mình ở Hà Nội.

Anh bạn đồng nghiệp nhanh nhẹn chữa cháy: “Gốc nhà nó ở Thanh Hóa nhưng chuyển ra Hà Nội sống mấy năm rồi”. Hai gã bên cạnh xì xồ nói với nhau bằng tiếng Mường: “Ó khèo han xay nì lá nhá pháo mơi”. Vừa nghe, tôi đã lạnh toát mồ hôi, bởi vốn biết chút tiếng Mường nên tôi dịch được ngay rằng: “Không khéo hai tay này là nhà báo đấy”. Quả nhiên, sau đó một gã nhìn vào mắt tôi hỏi thẳng: “Các chú có phải nhà báo không?”.

 Để đánh lạc hướng, tôi đang cầm điếu thuốc lá hút dở vội vứt thẳng vào mặt đối phương rồi chửi đổng: “Báo cái mả M mày”. Sau hành động của tôi, nhóm này bổng trở nên ngơ ngác nhìn nhau, một tên cười xòa bảo: “Bọn anh đùa vui mà chú cứ nóng”. Sau này, mỗi khi nhớ đến pha hú hồn đấy tôi vẫn nghĩ hành động của mình là đúng, vì tôi có thể chấp nhận bị ăn tát sau hành động hỗn hào đó còn hơn là để đồng nghiệp và mình rơi vào tầm ngắm của sự nghi ngờ.

Cố tỏ ra tức giận, tôi cầm ly rượu lên đòi cạn với gã vừa phỏng đoán chúng tôi là nhà báo liền mấy chén, sau đó tôi giả vờ say, đi lại ngật ngưỡng rồi lao lên giường trùm chăn ngủ. Song, anh bạn đồng nghiệp của tôi vẫn bị nhóm này lấy cớ mời rượu bủa vây gợi chuyện hỏi dò. Nào hai anh đã bước vào nghề buôn gỗ lâu chưa? Có quen “liền anh”, “liền chị” nào trong giới buôn gỗ ở xứ này không? Đồng nghiệp của tôi vốn rất nhanh trí đáp: “Em mới tập tọe bước vào nghề buôn gỗ nên không biết ai. Vì trước đó em là kỹ sư xây dựng cầu đường”.

Dù đã nói lái về công việc nhưng nhóm lâm tặc vẫn không chịu buông tha đồng nghiệp của tôi, nhóm này vẫn cố tình tìm cách dò chuyện. Đang nằm trong chăn, cảm thấy không ổn, tôi lóe ra cách dùng ngón tay móc họng khiến cho những cơn nôn thốc nôn tháo trào ra. Sự việc này vừa xảy ra những gã lâm tặc vội xúm lại vạch chăn, đỡ lấy tôi rồi lấy khăn nhúng nước lau rửa với tâm trạng có phần lo lắng. Biết cách của mình hiệu nghiệm, tôi cố giả giọng say rượu gượng dậy chửi đồng nghiệp: “Kỹ sư gì cái ngữ ông, làm ngu như bò bị người ta đuổi việc thì có”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi hiểu ý, liền tỏ vẻ tự ái, không nói chuyện nữa nên cũng lên giường kế bên trùm chăn ngủ. Sáng hôm sau, chúng tôi chuẩn bị đồ nghề, nai nịt gọn gàng theo nhóm lâm tặc lên đường. Dọc đường đi, chúng tôi vẫn thấy vài người tay vác rìu, vác cưa xăng leo rừng thoăn thoắt. Từ chân núi sau xóm ngước mắt nhìn về phía đồi Đén thấy nhiều người đang tụ tập ở đó. T. bảo, chỗ đó là “nơi ngồi chờ”, các nhóm lâm tặc thường tụ tập ở đấy để hội kiến với nhau trao đổi công việc.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ leo bở hơi tai, chúng tôi cũng lên được “nơi ngồi chờ”, song chẳng thấy ai cả. Lại thêm 1 giờ leo núi, vượt qua những thớ đá tai mèo nhọn hoắt, chúng tôi mới đến được “thủ phủ” khai thác gỗ. Vừa lên tới nơi, tiếng cưa xăng đã gầm rú inh tai. Tiếng cây lớn bị hạ đổ rầm rầm. Chúng tôi lần theo tiếng cưa máy thì bị các đối tượng phát hiện liền xông tới mặt gườm gườm, nhưng thấy chúng tôi không phải là công an lại đi theo nhóm lâm tặc quen biết nên nhóm kia buông bỏ quay lại tiếp tục khai thác gỗ. Trong khu vực chừng 1km2 thấy có hàng chục bãi gỗ nằm ngổn ngang, trong đó có nhiều thanh gỗ nghiến dài khoảng 4m được người ta dùng cưa xăng róc vuông vức. Các thanh gỗ đỏ rực như màu máu. Xung quanh còn có nhiều cây gỗ cổ thụ, dài gần 25m bị đốn hạ nhưng vì rỗng ruột nên lâm tặc không buồn cưa xẻ.

Sau hai ngày ngủ lại trong rừng, lót dạ bằng món ốc đá nấu với cây chuối rừng để bí mật điều tra, cuối cùng chúng tôi phát hiện, để đưa được một cây gỗ to bằng người ôm ra khỏi rừng phải cần tới 18 người và dùng dây chão để kéo. Nhưng tệ hơn là trên con đường đưa gỗ ra khỏi rừng, cánh lâm tặc buộc phải dùng cưa máy hạ toàn bộ cây cối dọc hai bên đường để làm “giàn” như đường ray tàu hỏa, bắc cheo leo qua các con đường gập ghềnh núi đá. Sau đó, các khúc gỗ sẽ được kéo trượt đi trên đường ray ấy. Tôi nhẩm tính, để đưa được một khúc gỗ ra khỏi rừng, không biết có mấy trăm, mấy nghìn cây rừng bị đốn hạ?

Trong lúc tôi đang mải mê lén chụp ảnh, quay phim ghi lại cảnh “xẻ thịt rừng” thì bỗng nghe tiếng đồng nghiệp của tôi kêu rú, nằm quằn quại dưới đất. Tôi hú hồn chạy lại hỏi gấp: “Có chuyện gì?” Anh bạn đồng nghiệp trả lời trong hơi thở đứt quãng: “Ngứa, ngứa quá…” Có lẽ vì quá ngứa, không chịu nổi nên đồng nghiệp của tôi dùng tay tự cào cấu khắp nơi trên thân thể mình.

Ngay lập tức, một lâm tặc đứng cạnh nhanh như chớt liền túm lấy hai cánh tay đồng nghiệp của tôi giữ chặt. Một lâm tặc còn lại liền dùng muối ăn hòa với nước uống rồi sát lên khắp người đồng nghiệp của tôi. Khi tiếng kêu la của đồng nghiệp từ từ giảm xuống, thì T. mới dơ tay chỉ lên cây bảo: “Mọi người cẩn thận không bị phấn sâu bay vào người dấy”. Bấy giờ tôi mới lờ mờ hiểu chuyện gì đã xảy ra…

Sau khi sự việc này được đăng tải lên báo, thì cùng năm ấy, tôi đã kể lại câu chuyện này trong cuốn sách “Dấn thân vào nghề”, cuốn sách tập hợp những mẩu chuyện nói về sự gian nan trong hành trình làm báo của mình. Và kể từ đó tôi hiểu được ý nghĩa của câu: “Nghề báo - Nghề dấn thân”.

Xuân Hoàng