Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kỳ vọng thay đổi về chất cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Nhằm đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào cuộc sống, hiện các Bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng văn bản, chính sách hướng dẫn thực thi. Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV - đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

DNNVV được coi là thành phần quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, tuy nhiên chất lượng, năng lực hoạt động còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

 

Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV

Theo đánh giá, nếu Luật DN thừa nhận tư cách pháp lý của DN, là khung pháp lý điều chỉnh vấn đề thành lập, tổ chức, quản lý hoạt động của DN thì Luật Hỗ trợ DNNVV là đạo luật mang tính nuôi dưỡng, trợ giúp các DN phát triển mạnh, bền vững. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong nội tại các quy định pháp luật về hỗ trợ DNNVV, tạo khung pháp lý để huy động nguồn lực trong xã hội, hỗ trợ DNNVV hoạt động.

Luật Hỗ trợ DNNVV có 3 điểm đột phá, trọng tâm nổi bật là: Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị; khởi nghiệp sáng tạo. 3 điểm đột phá này sẽ mang tới sự thay đổi về chất của DNNVV Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, là động lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhiều DN được thành lập hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 và 2 triệu DN vào năm 2030 theo Nghị quyết Trung ương 5 đề ra.

Ngay sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Với sự quan tâm đó, theo ông, đối tượng thụ hưởng chính là DN đã tiếp cận hiệu quả luật này chưa?

DN là đối tượng quan trọng nhất để thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, nhưng đang có tình trạng rất nhiều DN không biết chính sách nằm ở đâu, cơ quan nào là đầu mối để khai thác, tìm hiểu. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền luật của cơ quan quản lý chưa sâu sát.Việc tuyên truyền gần như đẩy hết sang cho cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện. Thậm chí, chính sách có rồi nhưng không chủ động tìm đến DN.

Do đó, để triển khai nhiệm vụ của Chỉ thị 15/CP-TTg, đẩy nhanh việc đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, cả hệ thống cần phải tăng cường tuyên truyền, từ cơ quan thực hiện chính sách; thay đổi cách tuyên truyền, tổ chức các đợt tập huấn cho đơn vị thực hiện chính sách hỗ trợ; có sổ tay thông tin hướng dẫn để DN biết được chương trình hỗ trợ cụ thể… Mặt khác, hầu như các DN còn rất thờ ơ với Luật Hỗ trợ DNNVV, vì thế, cần nguồn lực triển khai luật rõ ràng.

Theo quy định, Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, hướng dẫn DNNVV tham gia chuỗi phân phối sản phẩm. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động này? Bộ Công Thương là một trong những Bộ hiểu về DN nhất. Đây cũng chính là thuận lợi lớn để Bộ Công Thương triển khai các chính sách của Bộ, cũng như các nhiệm vụ mà nhà nước, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương. Đồng thời, do gắn kết với đời sống của DN nên việc triển khai các chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương luôn đạt hiệu quả cao và sát với thực tế của DN, nhất là nắm rõ những vướng mắc, nhu cầu của DN để có những điều chỉnh, xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có những chương trình, kế hoạch gì để cộng đồng DNNVV tiếp cận, hưởng lợi từ Luật Hỗ trợ DNNVV, thưa ông?

Hiệp hội DNNVV sẽ hướng dẫn, kết nối DN đến các bộ, ngành - nơi có các hoạt động hỗ trợ; hỗ trợ kết nối ngân hàng, tổ chức tài chính để DN tiếp cận nguồn vốn tốt hơn; phản ánh các vấn đề khó khăn, vướng mắc từ địa phương, cơ quan quản lý để tháo gỡ kịp thời cho DN; đề xuất kiến nghị để các cơ quan chức năng hỗ trợ DN theo tinh thần phục vụ…

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh