Kinh doanh đa cấp: Ranh giới mong manh giữa hợp pháp và lừa đảo

00:00 12/10/2020

Kinh doanh đa cấp là mô hình được cho phép ở Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, với những điều kiện đi kèm khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào các điều kiện này cũng được tuân thủ và không ít doanh nghiệp cũng tìm cách lách để lôi kéo người tham gia, nên dần biến tướng thành mô hình kinh doanh lừa đảo kiểu Ponzi hay Pyramid.

Mô hình kinh doanh đa cấp đang phát triển khá mạnh, không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...  Kinh doanh đa cấp đúng nghĩa là một sáng tạo về tiếp thị, nhưng những biến tướng của loại hình này lại gây ra những hệ quả rất xấu cho xã hội và gây bất ổn cho nền kinh tế.

Một số công ty kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đã biến tướng đã lừa dối khách hàng, gây ra sự lo lắng trong cộng đồng.

Ở Việt Nam, một số công ty kinh doanh đa cấp , từng gây chấn động điển hình như vụ Công ty Liên kết Việt đã lừa dối, chiếm đoạt gần 1.100 tỉ đồng của gần 68.000 khách hàng(1). Hay mới nhất là Công ty Alibaba cũng có bóng dáng của mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, bị cơ quan điều tra cáo buộc lừa đảo gần 6.700 khách hàng với số tiền lên tới 2.500 tỉ đồng(2). 

Những kiểu biến tướng 

Mô hình kinh doanh đa cấp đầu tiên trên thế giới được biết đến là mô hình Ponzi (Ponzi scheme) đặt theo tên của trùm lừa đảo gốc Ý Charles Ponzi. Bản chất sơ khai của mô hình Ponzi là vẽ ra các dự án đầu tư ma để mời gọi đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia sẽ được hứa hẹn nhận “lãi khủng” sau một thời gian ngắn. Các công ty lừa đảo dưới dạng này sẽ tìm cách kêu gọi càng nhiều nhà đầu tư càng tốt, mục tiêu là lấy lãi của nhà đầu tư sau trả cho người đi trước. Mô hình này sẽ đổ vỡ khi nhà đầu tư rút vốn hàng loạt. Mô hình sơ khai này sau đó đã được trùm lừa đảo Madoff người Mỹ “vận dụng” trong suốt thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước, kéo dài gần 20 năm, kêu gọi và lừa đảo được gần 18 tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu đầu tư. Đây được coi là vụ lừa đảo lớn nhất trong thế kỷ 20.

Mô hình Ponzi sau đó đã được biến tướng thành mô hình kim tự tháp (Pyramid scheme) theo nghĩa là: phát triển lượng người tham gia theo cấp số nhân với đỉnh tháp là một vài người tham gia ban đầu. Mô hình này chú trọng việc phát triển hội viên là chính. Người tham gia phải đóng phí tham gia hay còn gọi là phí hội viên. Một số công ty còn yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa với giá cắt cổ để trở thành hội viên. Họ không thể bán hàng được vì giá cao, chất lượng kém nên phải tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người thân quen mua hàng hoặc rủ người thân tham gia bán hàng đa cấp. Các công ty kinh doanh đa cấp sẽ trả tiền hoặc thưởng cho ai bán được nhiều hàng hoặc lôi kéo được nhiều thành viên mới. Những người tham gia từ đầu sẽ được hưởng lợi rất lớn. Mục tiêu của các công ty lừa đảo dạng này là chào bán các loại hàng hóa kém chất lượng với giá cao.

Tuy nhiên với việc nhiều quốc gia trên thế giới nghiêm cấm và xử phạt nghiêm khắc hành vi kinh doanh đa cấp dạng kim tự tháp hoặc dạng Ponzi, một mô hình kinh doanh mới với tên gọi có thể là tiếp thị mạng (Network marketing) hoặc tiếp thị đa cấp (Multi Level Marketing), gọi tắt là MLM, đã xuất hiện. Mô hình này hiện được nhiều quốc gia cho phép hoạt động với yêu cầu phải bán hàng hóa thật sự; không được thu phí tham gia hay phí hội viên dưới mọi hình thức; cấm xúi giục, ép buộc người tham gia đóng phí hội viên hoặc mua hàng hóa, cấm trả thưởng kể cả vật chất và phi vật chất.

Nói về bản chất, đây là mô hình kinh doanh truyền miệng, tiếp thị sâu rộng để phát triển mạng lưới mà không tốn nhiều chi phí quảng bá, quảng cáo, phát triển thị trường, không trả lương. Bởi vì, các thành viên tham gia sẽ tích cực quảng bá cho sản phẩm mình bán thông qua các mối quan hệ sẵn có. Cũng vì vậy mà mô hình này có thể phát triển mạng lưới lên đến hàng trăm ngàn người như trường hợp Công ty Liên kết Việt.

Vấn đề ở chỗ không có nhiều công ty tuân thủ các cam kết về chất lượng hàng hóa hoặc tuân thủ quy định không lôi kéo người khác, không buộc đóng phí hội viên. Việc đăng ký kinh doanh theo mô hình MLM chẳng qua là “lách luật” để hợp pháp hóa việc bán hàng hóa, dịch vụ dưới dạng mô hình Pyramid. Những biến tướng thấy rõ nhất trong xã hội hiện nay là việc buôn bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ như thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư...

Bỏ quên mảng dịch vụ

Mặc dù kinh doanh đa cấp theo mô hình MLM được nhiều nước cho phép với các điều kiện kèm theo, thậm chí một số nước như Úc có thể phạt tù hoặc phạt tiền lên đến hàng triệu đô la đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân có các hành vi lừa đảo, gian dối khách hàng trong lĩnh vực tiêu dùng(3). Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có rất nhiều công ty núp bóng kinh doanh đa cấp trái phép mà không bị pháp luật xử lý nhờ các chiêu trò biến tướng của mình.

Ở Việt Nam, lo ngại những biến tướng của mô hình kinh doanh đa cấp đang diễn ra trong thực tiễn có thể gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, bất an cho xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định những điều kiện ràng buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp. Chưa đầy sáu tháng sau đó, Chính phủ đã ban hành tiếp Nghị định số 141/2018/NĐ-CP bổ sung để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng đa cấp. Việc ban hành các nghị định trên đã kịp thời ngăn chặn một số hành vi lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh hàng đa cấp, nhưng vẫn cần phải tiếp tục bổ sung sửa đổi chính sách pháp luật trong các vấn đề sau để quản lý chặt hơn lĩnh vực này:

Trong các nghị định quản lý mô hình kinh doanh đa cấp, có vẻ Nhà nước chỉ quan tâm đến đối tượng vật chất là hàng hóa mà bỏ quên đối tượng phi vật chất là dịch vụ. Mô hình này có thể biến tướng thành mô hình Ponzi hoặc Pyramid ở các ngành dịch vụ như: bảo hiểm nhân thọ, đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, đầu tư tiền ảo..., thể hiện qua các hành vi lôi kéo mua bảo hiểm với các quyền lợi vật chất khi phát triển thêm người mua bảo hiểm, hứa hẹn trả lãi cao cho khoản đầu tư mua bảo hiểm hoặc kêu gọi đầu tư vào các dự án ma như trường hợp Công ty Alibaba để hưởng lãi khủng.

Những loại hình này rõ ràng là một dạng biến tướng mô hình kinh doanh đa cấp nhưng pháp luật hiện hành chỉ tập trung vào mảng hàng hóa vật chất, nên đã bỏ quên.

Một vấn đề nữa là các quy định hiện hành về vốn điều lệ và mức ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp quá thấp (10 tỉ đồng), nên đã tạo điều kiện cho nhiều công ty tham gia và núp bóng để kinh doanh hàng đa cấp trái phép. Vì vậy, cần thiết phải tăng vốn điều lệ thực tế (kiểm tra tài chính để tránh trường hợp vốn điều lệ ảo) và mức ký quỹ lên cao hơn để hạn chế các công ty kinh doanh đa cấp lừa đảo tham gia vào thị trường.

Ngoài ra, việc chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là rất khó khăn nên cần có sự tham gia của nhiều hiệp hội nghề nghiệp. Đây chính là những nơi tư vấn, cảnh báo, giải quyết khiếu nại, giúp người dân (bao gồm cả người tiêu thụ, phân phối sản phẩm, dịch vụ, nhà đầu tư) bảo vệ quyền lợi của họ về mặt dân sự trước khi các vụ việc bị xử lý hình sự. Hiện nay vai trò của các hiệp hội này rất mờ nhạt nên người dân chỉ biết dựa vào cơ quan công an khi sự việc lừa đảo đã vỡ lỡ.   

Mô hình kinh doanh đa cấp MLM về cơ bản là không xấu, tuy nhiên vấn đề làm sao Nhà nước quản lý được loại hình này là câu chuyện chắc còn dài.

TS. Võ Duy Nghi