Những con số mà Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đưa có thể sẽ khiến nhiều người phải giật mình. Chỉ trong 06 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương đã tiếp nhận xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa Việt Nam. Đó là chưa kể, 06 vụ việc khác cũng đang nằm trong diện xem xét, có nguy cơ sẽ sớm bị khởi xướng điều tra trong tương lai gần. Những vụ việc điều tra đối với hàng hóa Việt Nam cũng rất đa dạng. Từ điều tra chống bán phá giá (AD), điều tra chống lẩn tránh (AC), điều tra chống trợ cấp (CVD) cho đến tự vệ thương mại (SG)... Danh sách các nước khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam cũng đến từ khắp các châu lục với Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ...
Cơ cấu vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng với hàng hóa Việt Nam 2019
Trong hoạt động giao thương quốc tế, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện tụng, dù bởi lý do “vô tình” hay “cố tình” từ các nước khác, thì cũng là chuyện rất bình thường. Nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ rõ: Nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế đặc biệt về chất lượng và giá cả. Bởi ưu thế đó, chúng ta dễ dàng trở thành đối thủ cạnh tranh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các sản phẩm tương tự trong nội địa các nước nhập khẩu (hoặc các mặt hàng tương tự từ các nước xuất khẩu khác). Từ thực tế đó thì việc các nước này có những hành động mang tính chất phòng vệ thương mại, bảo hộ hàng hóa nội địa... cũng không có gì khó hiểu.
Vướng mắc pháp lý sẽ gây hệ lụy lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam (ảnh minh họa)
Là một quốc gia có nền kinh tế mở, hội nhập sâu với nhiều FTA song phương, đa phương ràng buộc, chúng ta phải chấp nhận việc các nước sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp quy định của WTO, cũng như các FTA để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và ổn định. Vấn đề là trong bối cảnh Việt Nam chưa được những đối tác lớn như Mỹ, EU công nhận có nền kinh tế thị trường thì việc phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, khi xuất phát từ chính các nước này sẽ dẫn đến những hệ lụy bất lợi.
Điều đáng bàn là cho đến nay, một phần không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam tham gia cuộc chơi thương mại quốc tế lại chưa có ý thức hoặc sự hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ. Chưa nói đến các vụ kiện phòng vệ thương mại do yếu tố khách quan (các nước bảo hộ sản phẩm nội địa) thì không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp vấn đề pháp lý thương mại xuất phát từ tầm nhìn kinh doanh, cách thức làm ăn chụp giật. Những doanh nghiệp này vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt sẵn sàng tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp tay cho hoạt động gian lận thương mại. Đối mặt với tình trạng đó, Bộ Công thương và các tổ chức hữu trách cũng đành bó tay, không thể giải cứu khi kiện tụng thương mại xảy ra.
Để minh họa thêm về vấn đề này, chúng ta trở lại với hiện thực “nóng bỏng” đang xảy ra với ngành Gỗ xuất khẩu. Ngày 11/6/2020, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm gỗ dán của Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là khoảng 309 triệu USD, chiếm 5,8% tổng lượng gỗ thuần túy Việt Nam. Cần biết, Hoa Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá 183,36% và thuế chống trợ cấp 22,98% - 194,9% với các sản phẩm gỗ dán Trung Quốc. Một khi bị áp thuế chống lẩn tránh thuế, toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế suất tương tự mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu khả năng xấu nhất này xảy ra, nghành Gỗ xuất khẩu nói chung, mặt hàng gỗ dán xuất khẩu nói riêng, chắc chắn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Gỗ xuất khẩu Việt Nam lao đao khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra
Hoa Kỳ đang là thị trường lớn nhất của ngành Gỗ xuất khẩu Việt Nam (với doanh số hơn 5 tỷ USD/năm). Việt Nam phải hành động quyết liệt để giữ thị trường này. Nhưng muốn làm điều đó thì vấn đề đầu tiên nằm ở chính nhận thức của các doanh nghiệp và tiếp theo là hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng. Chúng ta sẽ khó thuyết phục Hoa Kỳ, khi vẫn còn tình trạng các dây chuyền sản xuất gỗ của Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, sau đó đóng mác Việt Nam xuất khẩu (với doanh số hàng trăm triệu USD/năm) bị phát hiện.
Một điều chắc chắn, như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định: “Diễn biến phức tạp của các vụ khởi kiện thương mại quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp trong việc quyết định duy trì hoặc mở rộng đầu tư, sản xuất đối với một số mặt hàng sản phẩm”. Thực tế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã phát đi những cảnh báo danh sách 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị mạo danh xuất xứ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng.
Lốp xe sản xuất tại Việt Nam cũng từng vướng vào những lùm xụm kiện tụng thương mại
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang để lại hệ lụy sâu sắc, sự thông suốt và quy mô của hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ là đảm bảo sống còn cho quá trình hồi phục, cũng như phát triển ổn định, lâu dài của nền kinh tế. Trong bối cảnh các vụ phòng vệ thương mại đang gia tăng, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy các cải cách để tạo tiền đề thuận lợi cho một số đối tác lớn sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng cốt lõi vấn đề, có lẽ nằm ở chính các doanh nghiệp Việt Nam. Như Bộ Công thương đã khuyến nghị: “Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan”.
Tham gia cuộc chơi thương mại toàn cầu, với hàng loạt FTA ràng buộc, doanh nghiệp “sảy một ly” thì cái giá phải trả chắc chắn không chỉ là “đi một dặm”.
Bình Nguyễn