Khởi nghiệp với cây mọc dại thu hàng tỷ đồng

00:00 12/10/2020

Sau khi có tấm bằng Cao đẳng trong tay, anh Bùi Quý Hợi (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) quyết định về quê lập nghiệp bằng mô hình trồng cà gai leo - loại cây vốn mọc dại, nhờ đó mà mỗi năm gia đình anh Hợi bỏ túi cả tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, mô hình trồng cây cà gai leo ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy đang phát triển mạnh. Bước đầu, mô hình trồng trọt mới mẻ này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân có thu nhập ổn định. Thành quả này xuất phát từ anh Hợi - người tạo ra mô hình điểm về trồng cà gai leo để cho người dân trong vùng học hỏi.

Khởi nghiệp từ 50 vạn cây

Từ hồi còn nhỏ, anh Hợi đã rất đam mê về nghề trồng trọt, nên sau khi khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vào năm 2008, anh quyết định về quê “nghịch đất trồng cây”. Những năm đầu tiên, anh chủ yếu làm cây giống các loại để bán cho người dân trong vùng. Nhưng do vất vả mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên anh bỏ dở, đi tìm các mô hình trồng trọt khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Không chỉ cấp giống miễn phí, HTX còn bao tiêu sản phẩm cho thành viên

Trong một lần tình cờ biết đến mô hình trồng cà gai leo cho hiệu quả kinh tế cao, anh liền đi tham quan để học hỏi. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy cà gai leo là cây dược liệu rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở địa phương mình và đầu ra khá ổn định, nên quyết định chuyên tâm vào loại cây này.

Khởi nghiệp từ 50 vạn cây cà gai leo làm vốn, nhận thấy loại cây này dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình. Sau hơn 2 năm, quy mô trồng cà gai leo của gia đình anh Hợi đã lên tới hơn 10 ha. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Hợi xuất bán ra thị trường gần 40 tấn cà gai leo khô, với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Anh Hợi cho biết cà gai leo là loại cây dại, thường mọc hoang ở các bờ bụi... Đây là một loại cây có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là về các bệnh liên quan đến gan. “Cà gai leo là một loại cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh và phát triển quanh năm. Trung bình trồng khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch được. Với 10 ha, mỗi lần thu hoạch được khoảng trên dưới 10 tấn cà gai leo khô”, anh Hợi chia sẻ.

Hiện, anh đang trồng cà gai leo bằng phương pháp phủ bạt nilon. Cách làm này giúp anh tiết kiệm được đáng kể nhân công lao động, cũng như công chăm sóc, làm cỏ. Trung bình 1 ha trồng cà gai leo, anh đầu tư hết khoảng 150 triệu đồng tiền bạt nilon và sử dụng trong một thời gian rất lâu.

Đầu ra thuận lợi

Nhiều năm trở lại đây, các nghiên cứu về cây cà gai leo cho thấy đây là một loại cây dược liệu có rất nhiều tác dụng tốt cho gan, nên việc sử dụng các sản phẩm liên quan đến cây cà gai leo ngày càng nhiều. Hiện nay, có trên 100 đại lý trên toàn quốc phân phối sản phẩm cho gia đình anh Hợi. Ngoài ra, gia đình anh cũng liên kết với nhiều công ty dược khác nhau, nhiều lúc còn không có hàng cà gai leo khô để bán nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm tương đối thuận lợi.

Nhận thấy nhu cầu lớn về cây cà gai leo của thị trường, cuối năm 2016, anh Hợi đứng ra vận động các hộ gia đình trong xã thành lập HTX Nông - Lâm nghiệp Bảo Hiệu chuyên trồng cây cà gai leo. Ban đầu, HTX mới chỉ có 9 thành viên đăng ký tham gia, nhưng đến nay, HTX đã có 50 thành viên tham gia với diện tích hơn 30 ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường vài chục tấn cà gai leo khô.

Sau khi HTX đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng thị trường tiêu thụ, với cương vị là Giám đốc HTX, anh Hợi đứng ra ký hợp đồng với nhiều công ty dược khác nhau, như: Công ty Dược Hải Yến, công ty Dược OPC Bắc Giang, công ty Dược Hà Nội... với sản lượng 30 - 40 tấn cà gai khô/năm.

HTX không chỉ cung cấp giống miễn phí mà còn đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên với mức giá 35.000 đồng/kg cà gai leo khô. Mức giá này bảo đảm cho các các thành viên HTX có nguồn thu nhập khá ổn định. Thành viên có lãi thấp nhất cũng 3 - 4 triệu đồng/ tháng. Một số thành viên trồng với quy mô lớn và có thu nhập cao có nguồn lãi lên đến 20 triệu đồng/tháng như nhà anh Lê Văn Ngọc và nhà chị Bùi Thị Kiều Dung ở xã Bảo Hiệu.

Nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn trong trồng cây cà gai leo, anh Hợi thường xuyên tổ chức gặp mặt các thành viên. Nhờ đó mà sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm của HTX luôn tăng mạnh theo các tháng và hiệu quả mang lại cho các thành viên tăng một cách rõ rệt.

Hoàng Lê