Hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

00:00 12/10/2020

Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp doanh nghiệp nhận ưu đãi từ EVFTA. Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công văn số 812/XNK-XXHH gửi các hiệp hội, ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ nhằm hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hàng hóa tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Bộ Công Thương hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Công văn này là bước kế tiếp nhằm triển khai Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA mà Bộ Công Thương ban hành ngày 15/6 và có hiệu lực vào ngày 1/8, cùng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, đối với lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá không quá 6.000 Euro, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ.

Việc tự chứng nhận xuất xứ được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 11/2020/TT-BCT. Sau khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ trên www.ecosys.gov.vn theo quy định tại khoản 7 Điều 25 Thông tư này.

Đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 Euro, nhà xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.

Đối với hàng hóa xuất khẩu sang Vương quốc Anh, các thương nhân xuất khẩu chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đến hết ngày 31/12/2020.

Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp doanh nghiệp nhận ưu đãi từ EVFTA. Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Từ ngày 1/8/2020, một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: Tôm hùm, hàu, mực, bào ngư hiện có mức thuế nhập khẩu lên đến 16 - 22% khi xuất khẩu vào thị trường EU được giảm còn 0%. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế này, sản phẩm phải được chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là xuất xứ thuần túy. Tức là thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

Thủy sản là một trong những mặt hàng được đánh giá là hưởng lợi lớn khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ với doanh nghiệp là không đơn giản. Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không phải là mới hoàn toàn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong GSP, là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU theo cơ chế GSP tương đối nhiều.

Tuy nhiên, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Chẳng hạn một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định… Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới nhưng tương đối phức tạp. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8.

Bảo Anh