Hàng Trung Quốc vào Việt Nam: Lo ngại chuyện "đội lốt" xuất xứ!

00:00 12/10/2020

Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp và vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thách thức, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I/2019 và quý II/2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện hơn qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu từ 7% - 8% trong năm 2019.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả khá tích cực cho thấy sự nỗ lực rất lớn.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họaTrung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

Đưa ra một số tồn tại và hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang vào tháng 8/2019 sau khi Mỹ công bố về mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này (mức thuế 15% cho 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 1/9 và mức thuế cho 250 tỷ USD hàng hóa sẽ tăng từ 25% lên 30% từ ngày 15/10). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu như ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, khi động lực tăng trưởng từ phía doanh nghiệp Samsung còn là một ẩn số trong bối cảnh doanh số bán hàng từ Samsung  toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản. Theo đó, NDT giảm so với USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Đồng thời, việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc. Thời gian vừa qua, thị trường đã ghi nhận đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. NDT cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020.

Liên quan đến thị trường nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.

"Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư", Bộ Công Thương cho hay.

Yến Nhi