Dư địa lớn cho bất động sản văn phòng Hà Nội

00:00 12/10/2020

Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI lớn và nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có lượng vốn FDI cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, sự thay đổi về các mặt hàng kinh doanh sau đại dịch sẽ giúp thị trường bất động sản văn phòng “lên ngôi”.

30-9-Nguon-cung-van-phong-8755-160145777

Bất động sản văn phòng tại Hà Nội vẫn còn dư địa lớn, đặc biệt từ nhu cầu khởi nghiệp, chuyển hướng kinh doanh và một số ngành có sự tăng trưởng mạnh sau đại dịch.

Theo Savills Hà Nội, tính tới tháng 9/2020, thị trường bất động sản (BĐS) văn phòng tại Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm nhất định về nguồn cầu. Tuy nhiên, thị trường này được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau dịch Covid-19 so với các thành phố lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giá thuê vẫn ổn định

Số liệu thống kê của Savills cho thấy, giá thuê văn phòng tại Hà Nội chỉ giảm 1% trong quý II/2020. Trong đó, hạng A vẫn duy trì sự ổn định, chỉ có hạng B và C sụt giảm chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống.

Còn CBRE đánh giá, giá thuê cả văn phòng hạng A và hạng B gần như không thay đổi so với quý trước. Đến cuối quý II, giá thuê của hạng A là 26,2 USD/m2, hạng B ở mức 14,2 USD/m2.

Trong giai đoạn này, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp và tiếp tục làm gián đoạn quá trình khách hàng nước ngoài tới tìm kiếm, khảo sát mặt bằng tại Việt Nam. Nhiều khách thuê trước đó cũng có xu hướng thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm chi phí.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, trưởng văn phòng đại diện của một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng chịu lửa và gốm sứ tại Hải Dương cho hay, công ty trước đó thuê văn phòng có diện tích 120m2 tại Toà nhà CEO Phạm Hùng. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, công ty đã trả lại mặt bằng này để tìm kiếm một mặt bằng nhỏ hơn, gần 50m2 để tiết kiệm chi phí.

Ngược lại, một công ty bảo hiểm của Anh lại mở rộng mặt bằng văn phòng bởi xu hướng khách hàng mua và sử dụng các hợp đồng bảo hiểm nhiều, nên công ty phải tuyển thêm nhân sự, mở thêm các chi nhánh.

Đây là hai trong số nhiều doanh nghiệp “kẻ ở, người đi” khi dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS văn phòng nói riêng. Do vậy, nhiều chủ đầu tư không làm khó cho “người đi” và lại có các khách mới đến.

Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ, các chủ đầu tư/chủ nhà đã có nhiều chính sách cởi mở để giữ chân khách thuê cũ, thu hút khách mới. Vì vậy, đại diện công ty gạch chịu lửa và gốm sứ ở Hải Dương cho hay, sẽ tính đến việc quay lại thuê mặt bằng cũ khi tình hình kinh doanh ổn định trở lại.

Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, BĐS văn phòng Hà Nội vẫn có sức hút về khách thuê, giá thuê vẫn khá ổn định so với nhiều thành phố lớn trong khu vực. Giá thuê văn phòng tại Hà Nội chỉ xếp sau Singapore, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, công suất đạt 94%.

Giải pháp để thị trường phục hồi

Theo Savills Hà Nội, Hà Nội sẽ vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định khi được Chính phủ xác định là địa phương tiên phong trong hồi phục kinh tế sau dịch bệnh. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ là những "bàn đạp" tốt để phân khúc văn phòng ở Việt Nam phục hồi và phát triển, đặc biệt là ở TP.HCM và Hà Nội.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cũng cho hay, lũy kế hết tháng 8, trên địa bàn TP Hà Nội có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 241,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt trên 295,8 nghìn doanh nghiệp.

Ông Lê Tuấn Bình đánh giá, so với các thành phố lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường BĐS văn phòng tại Hà Nội vẫn được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh nhất, đặc biệt sẽ có nhiều dự án mới đi vào hoạt động và sự mở rộng danh mục đầu tư vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lớn.

Trở lại vấn đề khách thuê văn phòng, với những tín hiệu khả quan của kinh tế vĩ mô và chính sách cho thuê nới lỏng của chủ đầu tư, các khách thuê đang có tính toán để quay lại thị trường. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, khách thuê cũng cần lưu tâm tới đặc điểm của thị trường và các thủ tục pháp lý có liên quan.

Theo đó, khách thuê cần nắm rõ được thông tin hiện trạng thị trường tại khu vực đang hướng đến, bởi thị trường tại mỗi khu vực sẽ khác nhau về giá thuê trung bình, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng, nguồn cung…

Đơn cử như văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm sẽ có giá thuê cao hơn cùng phân khúc tại khu vực phía Tây thành phố. Đặc biệt, phân khúc hạng B ở phía Tây sẽ đáp ứng được tiêu chí cho các doanh nghiệp cần mặt bằng diện tích lớn và chi phí hợp lý… Các thông tin này sẽ giúp cho khách thuê xác định rõ được nhu cầu và các nguồn lực có phù hợp với thực tế tình hình thị trường tại khu vực đó hay không.

Về mặt pháp lý, khi đàm phán các thỏa thuận thuê, việc có hiểu biết về luật cũng như nắm rõ các thủ tục liên quan đến hợp đồng là rất cần thiết. Điều này giúp khách thuê đảm bảo quyền lợi của mình trong suốt quá trình đàm phán hợp đồng hoặc khi phát sinh các vấn đề sau quá trình ký kết hợp đồng.

Nhận định về sự hồi phục của thị trường BĐS văn phòng Hà Nội, theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, thị trường này vẫn có triển vọng dài hạn. Bởi, thị trường BĐS văn phòng gắn chặt chẽ với sự bùng nổ của các nhà khởi nghiệp, các cộng đồng đổi mới trong nước. Bên cạnh đó là nhu cầu thu hút và giữ chân nhân tài trẻ. Ngoài ra, chính bởi dịch bệnh Covid-19 đã khiến thương mại điện tử, công nghệ thông tin và ngành bảo hiểm… có bước phát triển mới, tạo thêm nguồn cầu cho BĐS văn phòng.

Hải Sơn