Covid-19: Phép thử liều cao cho sức khỏe doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Virus covid-19 là phép thử sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.

Dịch virus corona chủng mới (COVID-19) chỉ mới bùng phát hơn 1 tháng và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực sự ngấm đòn.

Điêu đứng trên trời, khó khăn dưới đất

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể giảm tới 1 điểm phần trăm. Trong khi đó, ANZ cũng dự báo tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong quý I có thể mất 0,8 điểm phần trăm do ảnh hưởng từ virus COVID-19.

Mặc dù vậy, các con số vĩ mô chưa cho thấy rõ hết sức càn quét của virus, làm hơn 60.000 người nhiễm bệnh và 1.369 người chết trên toàn cầu. Dù mới chỉ có 16 ca nhiễm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đang căng mình ứng phó với những thiệt hại bước đầu của dịch bệnh khó ngăn chặn này. Ngay sau khi Việt Nam thông báo tạm ngừng khai thác các chuyến bay Việt Nam - Trung Quốc (từ 13 giờ ngày 1.2.2020), thống kê sơ bộ của các hãng hàng không cho thấy, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 1-7.2), sản lượng vận chuyển của hàng không Việt Nam giảm 4%, đạt 1,06 triệu lượt khách. Trong đó, vận chuyển quốc tế giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

"Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10.000 tỉ đồng”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết.

Thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 năm qua, khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tỉ lệ tăng trưởng kép lượng khách quốc tế đến Việt Nam (hơn 15%/năm). Riêng năm 2019, tỉ lệ khách Trung Quốc chiếm 32,2% tổng lượng khách quốc tế (18 triệu lượt người). Các chuyến bay Việt Nam - Trung Quốc ước chiếm khoảng 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng nội địa. Vì thế, theo báo cáo của các hãng hàng không, việc dừng khai thác hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến các hãng hàng không Việt Nam mất đi trung bình 400.000 lượt khách/tháng.

Riêng Vietnam Airlines cho biết, việc tạm dừng các chuyến bay của Hãng đến/đi từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa 2 quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc. Ngoài ra, Hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không, gây tốn kém chi phí. “Nếu thị trường phục hồi vào tháng 7.2020, tổng thiệt hại tài chính do COVID-19 có thể gây ra cho Hãng lên tới 196 triệu USD”, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ước tính.

 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, băn khoăn: “Lo ngại lây nhiễm virus COVID-19, một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến cả từ châu Âu, Mỹ, Úc...“. Ở mảng du lịch, hiệu ứng domino đã diễn ra. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành. Không riêng các tour đi Trung Quốc, các tour du lịch nội địa của Vietravel cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Saigontourist, doanh nghiệp đứng đầu trong ngành lữ hành, phục vụ trên 3 triệu lượt khách với doanh thu hằng năm khoảng 22.500 tỉ đồng, cũng đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gây viêm phổi cấp và ban hành các giải pháp ứng phó. Trước diễn biến dịch cúm chưa hạ nhiệt, theo tính toán bước đầu của Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), ngành du lịch trong quý I/2020 có thể thiệt hại 7 tỉ USD và nếu kéo dài tới quý II, mức độ thiệt hại có thể vượt 15 tỉ USD.

 

Bên cạnh ngành du lịch và hàng không, báo cáo mới đây của SSI chỉ ra, nhiều ngành khác như nông sản, thủy sản, logistics, dệt may... cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch corona chủng mới. Đối với ngành thủy sản, Trung Quốc hiện là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trước ảnh hưởng của dịch virus COVID-19, thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1.2020 xuống 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. “Chi phí bảo quản đông lạnh không hề nhỏ, dù doanh nghiệp có kho lạnh hay phải đi thuê”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, chia sẻ.

Tuy nhiên, với mặt hàng cá tra, bà Ngô Thị Vi Tâm, Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, cho biết Vĩnh Hoàn hiện xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch và vận chuyển toàn bộ bằng đường biển. Do vậy, hàng hóa của Công ty vẫn giao đúng tiến độ và không bị tác động từ việc hạn chế thông quan ở các cửa khẩu đất liền. Cũng theo Công ty, Mỹ mới là thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn, còn Trung Quốc hiện chiếm 15% lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này.

Ở ngành logistics - cảng biển, lãnh đạo Gemadept nhận định, ảnh hưởng của dịch virus COVID-19 không lớn vì nhu cầu giao thương thời gian này không nhiều. Ách tắc cũng chủ yếu ở đường bộ xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát kéo dài, lãnh đạo Gemadept thừa nhận, Công ty hay bất kỳ doanh nghiệp cảng biển, logistics nào cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Trong ngành dệt may, theo nhận định của SSI, dù dịch virus COVID-19 không tác động trực tiếp đến nhu cầu may mặc, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Theo Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, Trung Quốc hiện là thị trường cung ứng nguyên phụ liệu lớn, chiếm từ 30-40% tổng lượng nguyên phụ liệu sản xuất hàng may mặc của Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may đa phần chỉ cầm cự nguyên liệu được đến cuối tháng 2. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Hưng Yên, cho biết: “Nếu nửa tháng tới, nguyên liệu thiếu hụt, giao hàng chậm trễ dẫn tới đối tác hủy, trong khi vẫn phải trả lương, bảo hiểm cho người lao động thì tổng mức thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu USD”.

Ứng phó trên đỉnh dịch, tăng sức đề kháng lâu dài

Tại Hải Phòng, Công ty Regina Miracle International Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm dệt may xuất đi nhiều nước trên thế giới, nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu Trung Quốc. Do gặp khó khăn để thông quan nguyên phụ liệu qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam, doanh nghiệp phải chuyển hàng qua đường biển. Theo đó, trung bình, để một container nguyên liệu từ Trung Quốc về Việt Nam mất 21 ngày gồm 14 ngày để cách ly hàng hóa và người vận chuyển.

Cũng như vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp sơ bộ tại 22 tỉnh thành cho thấy, có khoảng 9.000 người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dịch virus COVID-19. Trong tình hình dự báo nguồn nguyên liệu có thể gián đoạn dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất, các doanh nghiệp dệt may dự kiến tìm cách ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4, đồng thời cũng thảo luận với khách hàng để tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Doanh nghiệp hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế để chuỗi cung ứng, sản xuất quay lại quỹ đạo vốn có”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, chia sẻ.

Thực tế, việc chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu là không dễ dàng. Bởi vì, giá nguyên liệu cho dệt may hay da giày, hóa chất... từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh, Brasil... đều cao hơn so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển dự kiến sẽ tăng và thời gian giao hàng kéo dài. Tất cả sẽ làm ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Đối với câu chuyện mở rộng thị trường, lâu nay, chiến lược của xuất khẩu Việt Nam cũng là đa dạng hóa thị trường.

Tuy nhiên, việc thâm nhập, mở rộng thị trường mới như Trung Đông, châu Phi hay các thị trường khó tính hơn như Canada, Nhật, Mexico, Úc, New Zealand... là rất thách thức. Bởi vì, các công ty phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kiểm duyệt thường là khắt khe hơn từ phía đối tác. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên doanh nghiệp khó có vị thế, nguồn lực tài chính, đơn hàng đủ lớn để chủ động tiếp cận được nguồn nguyên liệu hay thị trường thay thế.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp sớm báo cáo tác động của dịch để trình lên cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ. Đối với ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã xây dựng các kịch bản cho thị trường hàng không. Cục cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biện pháp giảm giá, phí...

 

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó với những tác động của dịch virus COVID-19. Trường hợp xấu nhất, GDP Việt Nam chỉ tăng 5,96% trong năm 2020 - mức thấp nhất trong 7 năm gần đây. Bộ này cũng dự báo, Việt Nam sẽ nằm trong 4 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nhất, sau Singapore, Thái Lan và Hồng Kông. Kịch bản mới cập nhật khá sát với dự báo của giới chuyên gia.

Để đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhóm giải pháp trọng tâm là ưu tiên các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch gắn với hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ. Bộ Tài chính cần có giải pháp cân đối thu chi ngân sách, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đảm bảo thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí điện, nước...

 

Tuy nhiên, khủng hoảng từ dịch bệnh được coi như là phép thử cho khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, cách tốt nhất với Việt Nam lúc này là cố gắng duy trì sản xuất. Nhìn rộng hơn, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh, nguồn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào các nước sụt giảm, đây sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam lấp chỗ trống. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh nhạy điều chỉnh kế hoạch, chiến lược để tăng chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, tăng xuất khẩu. “Nếu làm tốt, về lâu dài, Việt Nam có thể thay thế một số mặt hàng của Trung Quốc chứ không chỉ lấp chỗ trống”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.

Bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ông Toru Nishihama, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi, dự báo: “Khác với dịch SARS những năm 2002-2003, rất có thể Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để khống chế dịch bệnh COVID-19”. Hiện tại, các nhà sản xuất Nhật bắt đầu tính chuyện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang quốc gia khác dù điều này sẽ làm phát sinh nhiều chi phí.

Rõ ràng, về lâu dài Chính phủ cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dài hơi hơn, đặc biệt là nguồn nguyên phụ liệu quan trọng, ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chuỗi cung ứng, kết nối các doanh nghiệp phụ trợ để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không thể mãi phụ thuộc vào doanh nghiệp phụ trợ Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam.

Trên nền tảng đó, doanh nghiệp Việt Nam mới thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác nhằm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc vài thị trường. Được như vậy thì doanh nghiệp Việt Nam mới có sức đề kháng mạnh mẽ hơn, không bị “cảm cúm” mỗi khi thị trường bên ngoài “hắt hơi”

Ngọc Thủy