Có nên “tăng liều” cho chính sách tiền tệ?

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần trở thành “cứu cánh” hữu ích. Nhưng với chính sách tiền tệ, liệu dư địa có còn để tăng liều lượng hỗ trợ?

co nen tang lieu cho chinh sach tien te

Chính sách tiền tệ đang hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.     Ảnh: ST

Còn dư địa

Do tác động của dịch Covid-19, cùng với chính sách tài khóa, nhiều chính sách tiền tệ đã được ban hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho người dân và DN, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu... Không những thế, trong chưa đầy 2 tháng từ tháng 3 đến tháng 5, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Bên cạnh đó, các DN còn được hưởng lợi nhờ vào tỷ giá ổn định.

Hiện nay, lạm phát thấp và thanh khoản dồi dào là cơ sở để chính sách tiền tệ có thể tăng thêm liều lượng hỗ trợ trong những tháng cuối năm. Dòng vốn có thể rẻ hơn, nhưng dòng tiền còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn “than thở” vì chính sách tiền tệ chưa thực sự giúp ích cho các hoạt động phục hồi. Thực tế cho thấy, sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất vẫn còn cao so với “sức khoẻ” của không ít doanh nghiệp. Do đó, mong muốn giảm thêm lãi suất luôn được nhiều doanh nghiệp đề cập như một giải pháp khẩn thiết cho sản xuất, kinh doanh.

Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt hai mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.

Đồng tình với quan điểm này, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, bơm thêm một lượng tiền vào trong lưu thông, nhưng dư địa không còn nhiều. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng liều lượng và giải pháp phải thật hợp lý để đảm bảo an toàn.

Ảnh hưởng từ lạm phát

Mặc dù được đánh giá là còn nhiều dư địa, nhưng việc thực hiện không phải dễ dàng. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất hiện nay không dễ dàng bởi chi phí đầu vào và lạm phát vẫn còn khá cao. Hiện, các ngân hàng đang huy động với lãi suất từ 6 - 11%/năm. Vì vậy, không thể giảm lãi suất xuống mức 7-8%/năm như mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức 2%. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ lạm phát đang là 4% cộng với 2% lãi suất huy động và biên độ 3% lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay còn khá cao, nhưng việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay cũng không phải dễ dàng.

Mặc dù vậy, việc kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn được các cơ quan cam kết duy trì dưới 4% bằng nhiều giải pháp để ổn định mặt bằng giá cả. Như về tỷ giá, 6 tháng qua, các chuyên gia đều chung nhận định là NHNN đã áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm, giúp tỷ giá khá ổn định với mức dao động chỉ ở mức 0,2 – 0,3%. Việc duy trì ổn định này đã đóng góp vào việc duy trì lạm phát.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS, chính các động thái bơm tiền mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và hạ lãi suất về mức 0% đã giảm áp lực lên VND cũng như các đồng tiền khác của các quốc gia mới nổi. Tuy vậy, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường ĐH Fulbright cho rằng, rủi ro trong những thàng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn khi kiều hối và lượng giải ngân vốn FDI có thể giảm xuống. Nhưng với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào thì cũng không còn áp lực lớn.

Những vấn đề trên cho thấy, khó khăn còn rất nhiều nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là thực hiện chính sách tài khóa – tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng. Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã cho biết mục tiêu từ nay đến cuối năm là kiểm soát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, đến cuối năm, NHNN sẽ có các giải pháp tiền tệ mạnh hơn, như tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tác động lan tỏa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Hương Dịu