Chống chuyển giá: “Lật tẩy” chiêu trò chuyển giá

00:00 12/10/2020

Chống chuyển giá được coi “chuyên án” đặc biệt, song những vụ chuyển giá đã được “phanh phui” và xử lý chỉ là những con số rất nhỏ so với thực tế.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô, trình độ phát triển và trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế. Tại Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thiết lập và hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống chuyển giá vẫn chưa có kết quả như mong muốn, thậm chí hành vi chuyển giá lại đang có xu hướng gia tăng, phức tạp và ngày càng tinh vi.

Báo điện tử VOV đi tìm lời giải cho bài toán này.

Bài 1: “Lật tẩy” chiêu trò chuyển giá

Theo Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), số liệu tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2012-2016 cho thấy, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của khu vực DN này là rất khả quan. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 16,3% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản là 5,82%. Tuy nhiên, tình trạng DN báo là thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng. Tỷ lệ DN có vốn đầu tư nước ngoài lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61%, trong khi các DN vẫn tăng quy mô đầu tư ổn định.

Năm 2016, có 61% DN có vốn đầu tư nước ngoài lỗ lũy kế trong khi quy mô đầu tư vẫn tăng ổn định (Ảnh minh họa: KT)
 

“Số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gia tăng, phức tạp”, Cục Tài chính DN chỉ rõ.

Còn theo Tổng cục Thuế, năm 2017, qua thanh tra 734 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Cơ quan chức năng truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ của DN hơn 7.100 tỷ đồng.

Muôn vàn thủ đoạn

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, chuyển giá là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn diễn ra ở các DN trong nước. Do chính sách thuế giữa Hà Nội hay các thành phố lớn và các khu vực khó khăn có sự chênh lệch nhau, do đó, DN hoàn toàn có thể chuyển giá từ Hà Nội lên các vùng đặc biệt khó khăn hoặc chuyển giá từ mặt hàng này sang mặt hàng khác để có thể thay đổi giá trị của hàng phải đóng thuế.

“DN sản xuất rượu bia giải khát, thuế đối với rượu, bia rất cao nhưng thuế đối với nước giải khát lại thấp hơn, do đó, DN chỉ cần chuyển doanh thu từ rượu sang giải khát là có thể thu lời, trốn được thuế”, ông Thịnh nêu ví dụ.

Hay việc chuyển giá có thể thực hiện giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập DN khác nhau, như: Một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập DN như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%), trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.

“Việc chống chuyển giá rất đa dạng, phức tạp vì vừa có chuyển giá lỗ, vừa có chuyển giá lãi. Thời gian qua, mới chỉ thấy được những DN báo lỗ nhiều nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh thì phát hiện ra là chuyển giá, nhưng thực ra những DN có lãi cũng có thể chuyển giá, họ có nộp thuế nhưng nộp thuế ít hơn nhiều so với số lẽ ra phải nộp”, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, có “muôn vàn thủ đoạn” để DN có thể thực hiện hành vi chuyển giá. DN có thể chuyển giá thông qua nâng giá máy móc, thiết bị đầu vào, nâng giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu; nâng giá trị thương hiệu hoặc bản quyền; nâng chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc trả lương đặc biệt cao cho lực lượng nhân sự nước ngoài hoặc cán bộ quản lý… Hay ngay cả việc bán sản phẩm cũng có thể chuyển giá.

“Trước nay mới chỉ thấy DN sản xuất hàng hóa, bán giá rẻ so với giá thị trường thì nghi ngờ chuyển giá, nhưng kể cả bán đắt hơn cũng có thể là chuyển giá. Việc phát hiện chuyển giá rất khó vì nó được thực hiện rất tỉ mỉ, từng ngày trên từng hóa đơn, chứng từ của DN mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được nên việc chuyển giá không chỉ bây giờ mới có mà đã tồn tại 30 năm nay”, ông Thịnh nhận định.

Minh chứng cho điều này phải kể tới công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên DN này không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Đáng chú ý là dù lỗ lớn nhưng DN này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Công ty Coca-Cola Việt Nam, trong 20 năm kinh doanh tại Việt Nam liên tục báo lỗ
 

Còn chuỗi siêu thị Metro Việt Nam được thành lập từ năm 2001 và báo lỗ liên tục dù doanh thu cũng tăng liên tục hàng năm. Chỉ sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thì nghi vấn chuyển giá của tập đoàn này mới được đặt ra đối với các cơ quan chức năng. Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.

Rào cản vô hình

Chuyển giá không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng và chứa đựng nhiều rủi ro khác, thậm chí có thể đẩy DN khác vào tình trạng phá sản. Mặc dù, chống chuyển giá đã trở thành “chuyên án” đặc biệt, đấu tranh kéo dài qua nhiều năm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những vụ chuyển giá đã được phanh phui và xử lý chỉ là những con số rất nhỏ so với số lượng thực tế các DN có dấu hiệu chuyển giá.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh chống chuyển giá ở những DN lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Bởi các DN lớn luôn có tiềm lực tài chính và một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, TS Tuấn cho rằng, do các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam giành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ - ngành và địa phương nên việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các DN này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó.

" Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình", TS Tuấn chỉ ra thực trạng.

Cẩm Tú/VOV.VN