Cần xử lý hình sự với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

00:00 12/10/2020

Tình trạng hàng giả trên thị trường ngày càng nhiều, một trong những nguyên nhân hiện nay là việc xử lý các hành vi làm hàng giả còn ở mức hành chính, chưa đủ sức răn đe.

Siết chặt quản lý hàng giả hàng nhái, cần xử lý hình sự với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Để siết chặt và quản lý mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhiều chuyên gia góp ý cần thực hiện xử lý hình sự với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Về vấn đề này ông Nguyễn Phương Minh- đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết Hàng năm, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thường có báo cáo để xác định các rào cản thương mại tại các quốc gia khác đối với các công ty và sản phẩm của Hoa Kỳ theo quy định của Luật SHTT về bản quyền, sáng chế và nhãn hiệu… Theo báo cáo năm 2017, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi: Vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo trực tuyến vẫn phổ biến; hàng giả, bao gồm hàng giả chất lượng cao vẫn tồn tại trên thị trường, mặc dù các cơ quan thực thi đã rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn các vụ việc vẫn chỉ xử lý hành chính. Vấn đề xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn triển khai ở mức độ hạn chế. Trong khi đó, thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cũng theo ông Minh, khác với Việt Nam, nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippines… đều thiết lập một hệ thống tòa án mang tính chuyên trách về bảo hộ quyền SHTT. Còn tại Việt Nam, tòa án trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT thiếu tính chuyên nghiệp như: Việc xét xử được thực hiện theo các tố tụng chung (dân sự, kinh tế, hành chính), không tính đến đặc thù của tài sản trí tuệ, không rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo giữa các thủ tục; nhiều bản án chưa thuyết phục do nhận định của thẩm phán không rõ ràng, không tính đến đặc trưng của quyền SHTT… Chính vì thế, việc thiết lập một thể chế mang tính chuyên nghiệp nằm trong hệ thống tòa án là cần thiết và kịp thời.

Liên quan đến công tác chống hàng giả hàng nhái hiện nay, ông Nguyễn Văn Bách - đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp (DN) - chủ sở hữu quyền SHTT trong thực thi là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. DN không được buông lỏng quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Các DN phải xác định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền SHTT nói chung là một quyền được nhà nước bảo hộ và đây là loại tài sản vô hình. Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu được bảo hộ có giá trị to lớn đối với DN và với một số DN, giá trị nhãn hiệu thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình. Do đó, phải tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào chống hàng giả, xâm phạm SHTT; phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhanh chóng, hiện đại; đáp ứng nhu cầu và tạo niềm tin cho đại đa số người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên thị trường.

Các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính có trách nhiệm đối với xã hội, đối với bộ phận người tiêu dùng cần bỏ kinh phí để thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả; có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.