Cần tránh để xảy ra hiện tượng “biến tướng” của điều kiện kinh doanh

00:00 12/10/2020

Trong 6 tháng đầu năm, rất nhiều phương án (của khoảng 11 bộ) đã được đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các điều kiện kinh doanh đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đặc biệt yếu tố tác động đến trật tự công quy định tại Luật Đầu tư 2014 đã được sử dụng làm tiêu chí để xem xét, đánh giá.

Ông có đánh giá như thế nào về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong thời gian qua?

Theo báo cáo của VCCI, có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ điều kiện kinh doanh khá cao. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án cắt, giảm tổng số điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%. Hay tổng số điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa là 49, đề xuất bỏ 34, sửa 2, bổ sung 3, đạt tỷ lệ 67,34%.

Bảng thống kê tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá cuả các bộ cũng cho thấy những con số không chỉ trên 60% mà còn trên 70%, cá biệt như Bộ Xây dựng có đến 89,4% điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm, đơn giản hoá. Trong phương án cắt, giảm của các bộ, hầu hết các điều kiện kinh doanh hiện hành trong các lĩnh vực đều được đánh giá để cân nhắc xem giữ lại hay bãi bỏ/sửa đổi. Các điều kiện kinh doanh đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đặc biệt yếu tố tác động đến trật tự công quy định tại khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư 2014 đã được sử dụng làm tiêu chí để xem xét, đánh giá.

Có bộ đã đề xuất bãi bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh của một hoạt động kinh doanh hoặc cả một ngành, nghề kinh doanh thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bãi bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa (thuộc ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức), hay vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt (thuộc ngành nghề kinh doanh vận tải đường sắt)… Có nhiều điều kiện chung chung, thiếu minh bạch đã được các bộ hoặc là sửa đổi hoặc là bãi bỏ.

Như vậy có thể thấy, đợt rà soát năm 2018 đã thể hiện được đúng tinh thần của hoạt động rà soát, có tính cải cách, hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi.

Hiện nay Bộ Công Thương được xem là cơ quan đi đầu trong hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh, bằng việc đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện, chiếm hơn 55% số điều kiện trong toàn ngành Công Thương. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã gấp rút soạn thảo và trình ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh để hiện thực hóa các phương án này. Đây được xem là hành động rà soát mở đầu cho làn sóng cải cách lần này.

Đó mới chỉ là những gì đã đạt được còn những hạn chế thì sao, thưa ông?

Đối với đợt rà soát này, sự cởi mở đối với cộng đồng doanh nghiệp giữa các cơ quan soạn thảo là khác nhau. Bởi có những bộ rất thiện chí, trong quá trình soạn thảo đã công khai phương án, phối hợp với đại diện của cộng đồng tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và có những giải trình rất minh bạch về việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý.

Nhưng có những bộ, VCCI chỉ nhận biết được thông tin về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh/nghị định về điều kiện kinh doanh qua Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ hoặc khi tham gia họp thẩm định tại Bộ Tư pháp dù đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo VCCI tham gia vào quá trình rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Đã có những đề xuất cắt giảm rất quyết liệt và có tính cải cách cao, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh thì cũng cần có một cơ chế để chặn những quy định không phù hợp, hoặc có thể trở thành những giấy phép con. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

Tôi cho rằng cần tăng cường cơ chế kiểm soát, bởi việc cắt giảm điều kiện nào, đơn giản hóa điều kiện nào đều dựa vào đánh giá của cơ quan chủ trì. Kể cả khi, phương án được lấy ý kiến, việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý cũng dựa vào ý chí của cơ quan soạn thảo mà không có bất kì một cơ quan nào xem xét.

Bởi sự thiếu minh bạch sẽ trao quá nhiều quyền cho cán bộ cấp phép trong việc diễn giải cách hiểu và là dư địa của tình trạng nhũng nhiễu, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, do đó, điều quan trọng không để tồn tại thêm các quy định thiếu minh bạch mới tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp.

Vậy theo ông, trong thời gian tới việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện như thế nào để tránh xảy ra hiện tượng biến tướng thành các loại giấy phép con khác?

Trong thời gian tới, hoạt động rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ thời gian tới cần được tiếp tục đẩy mạnh và rà soát một cách toàn diện cả ở cấp nghị định và luật. Cần tránh để xảy ra hiện tượng “biến tướng” của điều kiện kinh doanh, bề ngoài bỏ nhưng ẩn dưới hình thức khác, có thể hình thức là điều kiện kinh doanh đó đã được bỏ, nhưng thực chất doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng, thực hiện các quy định đó nhưng dưới một dạng điều kiện khác… Tránh tình trạng chạy theo con số, thành tích mà ở đó người dân, doanh nghiệp không được hưởng lợi.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo (thực hiện)