Bộ Công Thương chỉ ra 4 yếu tố khiến xuất khẩu gặp khó

00:00 12/10/2020

Các mặt hàng xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt khiến cho giá giảm sâu, trong khi các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng bảo hộ.

Bộ Công Thương chỉ ra 4 yếu tố khiến xuất khẩu gặp khó

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019 từ Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 8 có kim ngạch tăng so với tháng trước, bao gồm: Than đá tăng 103,6%; điện thoại và linh kiện tăng 37,8%, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 4,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng cao: giày dép tăng 14,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,1%; điện thoại và linh kiện tăng 7%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

Những yếu tố thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới bao gồm: Thị trường vào giai đoạn mua sắm cao điểm, kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2019 dự báo có xu hướng cao hơn so với quý II/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng,...

4 yếu tố gây khó cho xuất khẩu

Bộ Công thương cũng chỉ ra rằng, ngành xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp khó trong những tháng cuối năm bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, với diễn biến khó lường và mức độ ngày càng gia tăng hay việc Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT).

Theo chuyên gia, một đồng NDT yếu hơn sẽ phần nào giúp giảm bớt những thiệt hại do thuế quan Mỹ gây ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức từ việc tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp;.

Cũng như, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Thêm vào đó, trong các diễn biến chung gần đây tiếp tục ghi nhận thêm căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh việc Nhật Bản ra quyết định hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc vào ngày 01/7/2019.

Đối với Việt Nam, quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Hạ An