Bất động sản xoay xở phá băng

00:00 12/10/2020

Không thể ngồi im trước dịch bệnh, nhiều công ty bất động sản rẽ sang các mô hình kinh doanh mới.

Không thể “ngủ đông” giữa bộn bề thách thức, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản xoay xở hướng đi mới, như sáng tạo ra các phương thức kinh doanh đảm bảo lợi nhuận cho người mua hay lấn sân vào mảng hoạt động phụ khác như dịch vụ tư vấn hay thực phẩm và đồ uống (F&B).

Tập đoàn Novaland, chẳng hạn, mới đây tung ra chương trình cam kết lợi nhuận cho khách mua Khu đô thị sinh thái Aqua City với tỉ lệ 45% trong 36 tháng, một con số khá hấp dẫn so với lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ từ 6-7%/năm, đi cùng với cơ hội gia tăng giá trị của dự án. Bên cạnh đó, khách hàng là cổ đông sở hữu từ 1.000 cổ phiếu NVL của Novaland và duy trì liên tục từ 6 tháng sẽ hưởng ưu đãi trực tiếp 55 triệu đồng khi mua sản phẩm tại Aqua City.

Công cụ tài chính cũng được Nam Group sử dụng. Trong đợt mở bán phân khu nhà phố The Sound thuộc tổ hợp du lịch - giải trí Thanh Long Bay, chủ đầu tư này tung ra gói cam kết mua lại với lãi suất 12% nếu khách muốn chuyển nhượng lại lúc nhận nhà. Bước đi này nhằm tạo cơ hội để khách hàng yên tâm đầu tư, đặc biệt trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay.

 

Không đi theo con đường cam kết lợi nhuận, Tập đoàn Vingroup triển khai chương trình tặng voucher mua xe VinFast cho khách khi mua một số dự án nhà ở của Tập đoàn. Nhằm giảm áp lực về tài chính cho khách mua, Tập đoàn còn hỗ trợ vay trả góp với mức lãi suất 0% trong thời gian từ 1-2 năm, ân hạn nợ gốc trong thời gian hỗ trợ lãi suất và miễn phí phạt trả nợ trước hạn.

Một hướng đi khác của các doanh nghiệp địa ốc là mở một số mảng hoạt động mới để có thêm nguồn thu, đồng thời duy trì bộ máy nhân sự hiện tại. Novaland, chẳng hạn, cho ra mắt thương hiệu Nova F&B, quản lý và vận hành các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực và đồ uống thuộc hệ sinh thái NovaTourism. Danh mục thương hiệu do Nova F&B sở hữu đã khá nhiều với các chuỗi cà phê và chuỗi nhà hàng...

Trong mảng du lịch nghỉ dưỡng, khi các chủ đầu tư khách sạn gặp nhiều khó khăn hơn vì đại dịch, Savills Hotels đã cho ra mắt dịch vụ kinh doanh mang tên “Đại diện chủ sở hữu khách sạn - HOR” để bắt nhịp với quá trình hồi phục vào năm 2021. Với dịch vụ này, chủ sở hữu sẽ có một đội ngũ chuyên gia tư vấn độc lập để hỗ trợ các quyết định quan trọng trong quá trình tiền khai trương hoặc trong giai đoạn đầu của quá trình vận hành.

Cho đến thời điểm này, phục hồi về mức trước dịch COVID-19 vẫn là điều khó đoán. Theo Công ty Chứng khoán Agribank, ảnh hưởng từ dịch bệnh bắt đầu phản ánh lên kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư. Tiến độ bán hàng, tình hình hấp thụ cũng như tiến độ phát triển dự án đều bị ngưng trệ phần nào.

Ảnh: Quý Hoà

 Vingroup tặng voucher mua xe cho khách hàng mua nhà. Ảnh: Quý Hoà

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh gián đoạn khiến cho dòng tiền luân chuyển kém đi, doanh nghiệp phải tăng cường vay nợ để bù đắp sự thiếu hụt này, làm cho sức khỏe tài chính nhìn chung xấu đi so với đầu năm. Dù vậy, những tín hiệu này đã nằm trong dự đoán khi bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về nhiều mặt do dịch bệnh và giãn cách xã hội. Để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp trong ngành cũng như định lượng rủi ro, cần theo dõi thêm tình hình hoạt động trong các quý hồi phục sau dịch.

Nhìn chung, hướng đi mới cả về mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ, tăng cường hỗ trợ tài chính chăm sóc khách hàng hay bán đi các dự án kém hiệu quả có thể phần nào giúp các doanh nghiệp địa ốc chống đỡ trước thách thức hiện nay. Bài học thực tiễn cho thấy người chơi nào sống sót qua những cú sốc khủng hoảng sẽ trở nên dẻo dai hơn và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới với vị thế vững chắc hơn so với các đối thủ.

 

Điểm tích cực là bên cạnh nỗ lực thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cũng đang chung tay hỗ trợ với một số động thái cởi trói kinh doanh, gỡ khó pháp lý, đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông hay mở thêm về mặt chính sách.

Mới đây, Chính phủ đã chính thức bật đèn xanh cho 10 địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm. Danh sách các địa phương được thí điểm là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Trước mắt, TP.HCM cho biết sẽ thành lập thêm một phố đi bộ tại quận 10

Sơn Nguyễn