Bài 1: “Hạt sạn” Bitexco trong quy hoạch đô thị Hà Nội

00:00 12/10/2020

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với tôn chỉ, mục đích giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các cơ quan chức năng trong đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách. Trước “Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng ban hành”, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập – Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội thực hiện Chuyên đề: “Góc nhìn về quy hoạch đô thị Thủ đô Hà Nội” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Năm 2019, nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch đi sau xây dựng làm phát sinh những vấn đề bất ổn, TP. Hà Nội sẽ làm nghiêm túc công tác quy hoạch, phù hợp với sự phát triển của xã hội và kinh tế thị trường. Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, các công trình xây dựng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Trong khi Hà Nội đang nghiêm túc thực hiện công tác quy hoạch, thì ngày 30/6/2020, UBND huyện Thanh Trì có văn bản số 1322/UBND-TN&MT gửi Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về việc Công ty Cổ phần Bitexco đang thi công các hạng mục thấp tầng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường hạng mục nhà ở thấp tầng. Sự kiện này khiến cho các chuyên gia về quy hoạch nhận định: Bitexco chẳng khác nào là “hạn sạn” trong quy hoạch đô thị Thủ đô Hà Nội. 

Góc nhìn từ quy hoạch đô thị trên thế giới

Trước khi bàn về giải pháp xử lý “hạt sạn” Bitexco trong quy hoạch đô thị Hà Nội (Cụ thể là Dự án The Manor Central Park nằm trên địa phận huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai), chúng ta cần phải tìm hiểu về quy hoạch đô thị của các quốc gia tiêu biểu trên thế giới như: Singapore, Úc, Nhật…để lấy đó làm bài học kinh nghiệm thiết thực trong công tác quản lý quy hoạch đô thị ở Việt Nam.

Singapore không chỉ được mệnh danh là “con rồng châu Á” với nền kinh tế phát triển vượt bậc mà còn được thế giới biết đến là “Thành phố cây xanh”, “Thành phố sạch nhất thế giới”. Kết quả đó có được lại xuất phát từ mục tiêu quy hoạch “xanh hóa”, “vườn trong phố” với việc bố trí diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích Singapore, điều mà không một quốc gia nào đạt được. Vì thế, các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch trên thế giới luôn xem Singapore là mẫu hình lý tưởng về quy hoạch. 

Khác với Singapore, bài học kinh nghiệm của nước Úc trong quy hoạch đô thị là dựa trên những tiêu chí: “Bền vững về xã hội; Bền vững về tự nhiên; Bền vững về kỹ thuật; Bền vững về tài chính”. Trong đó, các chuyên gia Úc luôn đánh giá bền vững về xã hội là tiêu chí quan trọng nhất. Bởi, quy hoạch đô thị ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội. Do đó, quy hoạch chỉ có thể được xem là tốt khi nó phục vụ con người và không để xảy ra các hệ lụy cho xã hội.

Để phát huy hết tác dụng, nước Úc cho công khai quy hoạch, lấy ý kiến người dân để làm sao quy hoạch phải là vì lợi ích của đông đảo nhân dân. Do đó, công tác truyền thông được tiến hành phổ biến trong nhiều giai đoạn của quy hoạch. Sở Quy hoạch thành phố có bộ phận tiếp nhận ý kiến công chúng cùng đường dây điện thoại miễn phí để lĩnh hội tất cả ý kiến đóng góp của nhân dân, đảm bảo ý kiến người dân phải được tôn trọng và xem xét.

Tất cả mọi cấu phần của đồ án quy hoạch phải tồn tại thân thiện với môi trường sinh thái. Nếu đồ án quy hoạch có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dù nhỏ nhất mà không thể khắc phục được thì quy hoạch đó sẽ không thể được phê duyệt. Không gian xanh là điểm nhấn ưu tiên trong quy hoạch. Cây xanh ở Úc cũng có quyền pháp lý và được bảo vệ như những công dân. Mỗi cây đều có hồ sơ lý lịch và được quản lý bằng công nghệ số. Chỉ đơn giản thế thôi chúng ta cũng thấy quy hoạch đô thị của nước Úc được thực hiện chặt chẽ đến thế nào?

Tại Nhật Bản, quy hoạch đô thị được tiến hành đầu tư rất nghiêm túc. Quy hoạch sau khi hoàn chỉnh sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Khi quy hoạch được lập phải lấy ý kiến cộng đồng và đảm bảo 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn.

Khi quy hoạch đó được phê chuẩn thì sẽ được chuyển tải thành các quy định. Điều này gọi là “chính sách phát triển đô thị” để chính quyền thực hiện. Khi bản quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành công cụ chính thức để thực hiện quy hoạch. Khi đó, quy hoạch sẽ được thông báo và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng và có hiệu lực từ ngày được chính thức công bố.

Nhìn lại “hạt sạn” Bitexco trong quy hoạch đô thị Hà Nội

Từ câu chuyện quy hoạch đô thị của các quốc gia trên thế giới như đã nêu trên, chúng ta hãy quay về Việt Nam để xem chiến lược quy hoạch đô thị của Thủ đô Hà Nội. 

Bản Đồ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Đề án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 khu đô thị vệ tinh bao gồm: Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn (6 phân khu); Khu đô thị vệ tinh Xuân Mai (3 phân khu; Khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (3 phân khu); Khu đô thị vệ tinh Sơn Tây (9 phân khu); Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc (4 phân khu). 

Báo cáo về kết quả thực hiện công tác quy hoạch – kiến trúc trên địa bàn  TP. Hà Nội năm 2019; ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu, hiện nay, UBND thành phố đã phê duyệt 26 đồ án, đã hoàn thành tổ chức công bố, bàn giao theo quy định. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng quy hoạch chạy theo các dự án cần phải nghiêm túc công tác quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội. Các công trình xây dựng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong khi các cấp chính quyền Hà Nội đang hết sức nỗ lực chung tay “kiến thiết” đô thị trở nên “văn minh, hiện đại” thì nhiều căn hộ thấp tầng thuộc Dự án The Manor Central Park do Công ty cổ phần Bitexco làm Chủ đầu tư lại tiến hành xây dựng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì cho thấy, ngày 17/6/2020, tổ công tác đã tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Bitexco về Dự án The Manor Central Park (địa điểm: Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm tra công tác thu gom, tập kết và vận chuyển chất thải, xử lý theo quy định.

Khu đô thị của Bitexco

Trong quá trình làm việc, Công ty Cổ phần Bitexco không cung cấp được Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường hạng mục nhà ở thấp tầng. Tại thời điểm kiểm tra phần diện tích trên địa phận huyện Thanh Trì, Công ty Cổ phần Bitexco đã xây dựng một số căn hộ nhà liền kề thấp tầng...

Khu nhà ở thấp tầng không có DTM

Ngày 30/6/2020, UBND huyện Thanh Trì có Văn bản số 1322/UBND-TN&MT đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý do hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Bitexco vượt thẩm quyền xử phạt của UBND huyện Thanh Trì (Công ty Cổ phần Bitexco đang thi công hạng mục nhà ở thấp tầng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường hạng mục nhà ở thấp tầng).

Sự kiện này khiến cho nhiều chuyên gia nhận định, Bitexco chẳng khác nào “hạn sạt” lọt thỏm trong bản đồ quy hoạch đô thị Hà Nội. Việc xử lý triệt để “hạt sạn” Bitexco chính là sứ mệnh của các cấp chính quyền Hà Nội cần sớm thực hiện để bảo vệ quy hoạch Thủ đô…

Xuân Hoàng