Kênh truyền hình ET Now (Ấn Độ) cho biết Tập đoàn Amazon của tỉ phú Jeff Bezos (trái) đang đàm phán để mua 9,9% của chuỗi bán bán lẻ lớn nhất Ấn Độ Reliance Retail của tỉ phú Mukesh Ambani. Ảnh: Daily India
Dồn dập rót tiền vào Ấn Độ
Hôm 23-7, kênh truyền hình ET Now (Ấn Độ) dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Amazon đang đàm phán để mua 9,9% của chuỗi bán bán lẻ lớn nhất Ấn Độ Reliance Retail của tỉ phú Mukesh Ambani.
Reliance Retail, được thành lập năm 2006, là công ty con của Tập đoàn Reliance Industries. Chuỗi bán lẻ này đang phục vụ 3,5 triệu khách hàng mỗi tuần thông qua mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ ở 6.500 thành phố và thị trấn trên khắp Ấn Độ. Giới quan sát định giá Reliance Retail khoảng 35-40 tỉ đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu đàm phán thành công, Amazon có thể chi khoảng 3,5-4 tỉ đô la Mỹ để nắm giữa gần 10% cổ phần của Reliance Retail.
Hồi đầu năm nay, tỉ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, cho biết sẽ đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào các hoạt động tại Ấn Độ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này giúp họ tiếp cận khách hàng trực tuyến.
Động thái mới nhất của Amazon là một phần trong làn sóng đầu tư vào Ấn Độ của các ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ trong năm nay.
Hôm 15-7, Mukesh Ambani, Chủ tịch Reliance Industries,cho biết Google đồng ý chi 4,5 tỉ đô la Mỹ để mua 7,73% cổ phần của Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms, một công ty con khác của Reliance Industries.
Khoản đầu tư này của Google sẽ được thực hiện thông qua Quỹ Google vì số hóa Ấn Độ, chỉ vừa ra mắt hai ngày trước đó. Theo Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, quỹ này sẽ đầu tư 10 tỉ đô la Mỹ vào thị trường đông dân thứ hai thế giới trong 5-7 năm tới.
Ông nói Google sẽ tập trung đầu tư vào bốn lĩnh vực: cải thiện sự tiếp cận các ứng dụng và dịch vụ của Google bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ở Ấn Độ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ người dùng internet Ấn Độ; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bước vào thế giới trực tuyến và sử dụng công nghệ để thúc đẩy các vấn đề xã hội bao gồm y tế và giáo dục ở Ấn Độ.
Khoản đầu tư của Google vào Jio Platforms là một trong những trường hợp hiếm hoi ‘ông lớn’ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến này chung tay với đối thủ Facebook hỗ trợ một công ty. Hồi tháng 4, Facebook thông báo chi 5,7 tỉ đô la để nắm giữ 9,99% cổ phần của Jio Platforms. Hôm 22-5, Quỹ đầu tư toàn cầu KKR (Mỹ) cũng cho hay đã thương lượng thành công thương vụ mua 2,32% cổ phần của Jio Platforms với giá 1,5 tỉ đô la.
Quy mô và các nguồn đầu tư trên có thể sẽ không xảy ra, nếu không muốn nói là không thể hình dung được cách đây vài tháng khi tất cả các công ty công nghệ đang xung đột với các cơ quan quản lý Ấn Độ và các lãnh đạo ngành công nghệ phương Tây bị đối xử lạnh nhạt trong các chuyến thăm New Delhi.
Kể từ đó, đã có rất nhiều thay đổi. Đại dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đến nền kinh tế Ấn Độ. Hục hặc ngoại giao giữa Ấn Độ với Trung Quốc lan sang lĩnh vực công nghệ, khiến New Delhi chuyển sang nghi kỵ các công ty công nghệ Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ Mỹ vào Ấn Độ cũng làm nổi rõ những lợi thế rõ ràng của nước này từng được nói đến trong nhiều năm qua: Nền kinh tế số hóa Ấn Độ với 700 triệu người dùng internet và gần 500 triệu người khác vẫn chưa tiếp cận thế giới trực tuyến, là ‘phần thưởng’ quá lớn khiến các ‘ông lớn’ công nghệ không thể phớt lờ lâu hơn được.
“Mọi người tin rằng trong dài hạn, Ấn Độ sẽ trở thành một thị trường tốt và các quy định quản lý của nước này sẽ khá công bằng và minh bạch”, Jay Gullish, Giám đốc chính sách công nghệ ở Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn, nói.
Hôm 15-7, Mukesh Ambani, Chủ tịch Reliance Industries, cho biết Google đồng ý chi 4,5 tỉ đô la Mỹ để mua 7,73% cổ phần của Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms. Ảnh: Business Insider
Yếu tố Trung Quốc thúc đẩy hợp tác công nghệ Ấn-Mỹ
Phần lớn công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) bị Trung Quốc ‘cấm cửa’ trong nhiều năm qua, một phần là vì cơ chế kiểm duyệt khổng lồ của Bắc Kinh, hay còn gọi là “Vạn lý Tường lửa”.
Một đạo luật an ninh quốc gia mới và gây nhiều tranh cãi vừa được Bắc Kinh ban hành và áp đặt ở Hồng Kông có thể khiến các công ty công nghệ Mỹ không còn mặn mà với thị trường này.
Luật mới trao cho nhà chức trách Hồng Kông thẩm quyền rộng lớn để quản lý các nền tảng công nghệ, bao gồm hạn chế tiếp cận các dịch vụ của họ hoặc ra lệnh họ gỡ bỏ những bài viết đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc.
Sau khi luật này có hiệu lực hồi đầu tháng 7, Facebook, Google và Twitter cho biết họ sẽ dừng chia sẻ dữ liệu với chính quyền Hồng Kông. “Ngày càng khó làm ăn với Trung Quốc. Cộng đồng công nghệ có một cảm nhận ngày gia tăng rằng làm ăn với Trung Quốc là phải chấp nhận thỏa hiệp về các chuẩn mực đạo đức”, Mark Lemley, Giám đốc chương trình luật pháp, khoa học và công nghệ ở Đại học Stanford (Mỹ), nói.
Thái độ nghi kỵ của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp tục dâng cao. Gần đây, Tổng thống Donald Trump nói rằng chính quyền ông đang xem xét cấm ứng dụng tạo và chia sẻ video TikTok của Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) ở Mỹ. Các quan chức Mỹ lo ngại ứng dụng video TikTok có thể thu nhập dữ liệu cá nhân của người Mỹ hoặc kiểm duyệt các thông tin bị Bắc Kinh xem là nhạy cảm.
Lệnh cấm đó, nếu được thực hiện, sẽ là một động thái càng khiến Mỹ xích lại gần hơn nữa với Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc hồi tháng trước sau vụ xung đột biên giới Ấn-Trung, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, dẫn đến làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc ở Ấn Độ.
Dù các hãng smartphone Trung Quốc đang thống trị thị trường Ấn Độ và hầu hết các startup lớn nhất Ấn Độ đều nhận được các khoản vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, các căng thẳng gần đây giữa hai nước có thể củng cố mối quan hệ công nghệ lâu đời giữa Ấn Độ với Mỹ.
Hàng ngàn kỹ sư công nghệ Ấn Độ đang làm việc ở Thung lũng Silicon và các nhân tài Ấn Độ đang nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở Google, Microsoft và nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ.
Khi các công ty công nghệ Mỹ đang nhắm đến thị trường Ấn Độ, tỉ phú Mukesh Ambani, đang đóng vai trò ‘người gác cổng’ hiếu khách. Hầu hết các khoản đầu tư của các công ty công nghệ Mỹ vào Ấn Độ trong năm nay đều chảy vào các công ty thuôc quyền kiểm soát của tỉ phú Mukesh Ambani.
Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms, đơn vị thành viên của Tập đoàn Reliance, đã huy động được hơn 20 tỉ đô Mỹ kể từ cuối tháng 4 từ các công ty, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư quốc gia đang tìm cách sử dụng Jio Platforms như là con đường nhanh nhất để tiến vào nền kinh tế số hóa khổng lồ của Ấn Độ.
Công ty viễn thông Reliance Jio, đơn vị thành viên của Jio Platforms, ra mắt mạng di động vào năm 2016 và nhanh chóng thu hút gần 400 triệu thuê bao. Tỉ phú Ambani đang muốn biến Jio Platforms thành một hệ sinh thái công nghệ khổng lồ, hoạt động khắp các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán số, dịch vụ phát sóng trực tiếp, thậm chí dịch vụ hội nghị video trực tuyến giống Zoom.
“Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ không thể xâm nhập vào ‘Vạn lý Tường lửa’ của Trung Quốc nhưng dễ dàng tiến vào ‘bức tường phí’ khổng lồ tạo ra bởi Jio Platforms, và tất cả những gì họ làm là trả cho Reliance Industries ‘phí cầu đường’ để tiến vào’, Ravi Shankar Chaturvedi, Giám đốc nghiên cứu Viện Kinh doanh toàn cầu thuộc Đại học Tufts (Mỹ), nói.
Khánh Lan