Nhà máy quặng sắt làng Mỵ.
Môi trường hay lợi ích kinh tế
Khu vực miền núi phía Bắc là một trong những vùng có khó khăn kinh tế nhất của Việt Nam. Để giải quyết việc đó, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tìm giải pháp phát triển đời sống của nhân dân. Năm 2008 người dân thôn Dày, xã Chấn Thịnh rất vui mừng, phấn khởi đến dự lễ khởi công Nhà máy quặng sắt làng Mỵ (Nhà máy Quặng). Tại thời điểm đó, việc xây dựng một nhà máy quặng tại vùng Văn Chấn, như một điểm sáng về công nghiệp của tỉnh Yên Bái. Cho nên các cơ chế chính sách ưu đãi nhất được các cơ quan nhà nước dành cho doanh nghiệp. Tuy là nhà máy dùng phương pháp sản xuất còn nhiều hạn chế, số lượng quặng thu được chủ yếu là do chế biến thô nhưng diện tích được phép khai thác, đặt nhà máy rất lớn nằm trên diện tích của 3 xã của huyện Văn Chấn (xã Chấn Thịnh, Bình Thuận, Minh An). Thôn Dày, xã Chấn Thịnh từ một vùng rừng núi hoang sơ chỉ có con người với mây, núi, cây cùng muông thú. Cuộc sống tuy hơi thiếu thốn về vật chất nhưng đời sống bình yên, môi trường trong lành. Con người và thiên nhiên nương tựa vào nhau để sống như quy luật cộng sinh ngàn đời vẫn thế.
Nước và chất thải ô nhiễm sau cửa xả của hồ lằng Nhà máy quặng sắt làng Mỵ.
Từ khi có Nhà máy Quặng mọi sinh hoạt, đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Khói bụi mờ mịt như sương mờ khi các đoàn xe chở nguyên liệu, thành phẩm ra vào nhà máy. Hệ thống đường giao thông bị băm nát, người dân mỗi khi ra ngoài là một cực hình. Các ngọn núi từng được rừng xanh bao phủ thì nay bị đào bới không thương tiếc hoá thành những ngọn núi chết. Núi biến thành vực, cây xanh hoá cỏ dại.
Những dòng suối trong vắt, chảy suốt tháng ngày để nuôi sống đại ngàn. Nay thay bằng những dòng chảy đỏ nặng màu nước thải do sản xuất quặng. Tôm, cua, cá dường như đã hoàn thành việc di cư khỏi khu vực này.
Đứng trên mặt đập xả thải từ hồ lắng của Nhà máy Quặng xuống phía hạ lưu. Anh H (người dân tộc Mông) chia sẻ: “Ngày trước dưới cửa xả này chỉ là một cái mương nhỏ để tưới tiêu cho cánh đồng. Tôi mỗi khi đi qua chỉ nhảy một cái là sang bên kia. Sau này do xả thải cát cùng nước thải quặng chảy xuống toàn bộ cánh đồng rộng gần 10ha không thể sản xuất được. Mương nước biến thành một vùng rộng lớn kéo dài về phía hạ lưu. Dọc theo mương nước này do ô nhiễm nên người dân không sinh sống được phải di dời. Sản xuất nông nghiệp không thể làm được. Đất này đã biến thành đất chết rồi”. Để minh chứng cho lời nói, anh H bước xuống dòng nước đỏ ngầu. Dơ bàn chân vừa bước xuống nước nhưng đã nhuộm màu vàng, anh bức xúc nói: “Anh thấy không? Nước trong môi trường sống của con người như máu trong cơ thể. Mà máu đã bị ô nhiễm thì toàn bộ cơ thể sống tất yếu sẽ mang bệnh”.
Nước và chất thải ô nhiễm của Nhà máy quặng sắt làng Mỵ chảy tràn vào nhà dân.
Trong thời gian 11 năm hoạt động thì không ít lần người dân nơi đây căng dây, xếp đá ra đường để chặn xe vào nhà máy. Căng thẳng có những lúc như lò thuốc súng. Người dân và nhà máy như hai thái cực. Chính quyền phải vào cuộc, tìm nhiều biện pháp mới tháo gỡ để nhà máy tiếp tục hoạt động.
Môi trường ô nhiễm, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, con người sống trong mâu thuẫn, sự bức xúc. Hơn mười năm hoạt động Nhà máy Quặng đã minh chứng rõ nét cho việc đánh đổi môi trường thiên nhiên, sinh thái để đổi lấy giá trị kinh tế là không hiệu quả. Vì nếu để có được môi trường thiên nhiên như trước đây chắc hẳn phải bỏ ra rất nhiều tiền. Có lẽ nó sẽ tốn gấp hàng trăm lần số tiền thuế mà Nhà máy quặng đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Những hệ luỵ khi khai thác chế biến khoáng sản thô
Tổ máy đang hoạt động trong Nhà máy quặng sắt làng Mỵ.
Xem những hình ảnh chụp từ trên cao tại thôn Dày, thôn Bầu, khu vực nông trường… thuộc xã Chấn Thịnh, Minh An, Bình Thuận mới thấy hết được sự đào xới, nhổ cây, múc núi tìm quặng ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường. Các điểm mỏ khai thác quặng biến thành những vùng đất “chết”.
Nhà máy Quặng theo thiết kế ban đầu được lắp đặt 2 dây chuyền tuyển quặng nhưng có lẽ do công nghệ lạc hậu, khai thác không hiệu quả. Từ khi đưa vào sản xuất chỉ sử dụng được một dây chuyền lớn. Dây chuyền nhỏ “đắp chiếu”. Nhà máy đang sử dụng phương pháp tuyển quặng nổi nên hệ số đuôi quặng trên 1 tấn quặng tinh rất lớn. Cứ mỗi tấn tinh quặng sắt được sản xuất sẽ thải ra khoảng 2,5–3,0 tấn quặng đuôi. Cho nên ba hồ lắng sau chưa đến mười năm sản xuất đã đầy. Nước thải và chất thải sau chế biến quặng (nhìn như cát đen lẫn vẩy sắt) đổ thẳng ra suối phía hạ lưu của hồ lắng.
Theo thông tin từ người dân thì cứ 1 tuần đến 10 ngày nhà máy lại cho máy xúc đi nạo vét dòng chảy, xúc cát, đất đổ lên 2 bên bờ. Cát ở giữa dòng suối lâu ngày nén chắc đến mức máy xúc di chuyển rất dễ dàng như trên đường nhựa. Nếu không có nước chảy sẽ hình dung nơi đây như vùng bãi bồi ven sông rộng gần chục hecta.
Người dân sống gần Nhà máy Quặng nhiều năm nay khi đi ra đường thì bụi như sương mù. Các nhà dọc trục đường vào nhà máy phải đóng cửa suốt ngày mà bụi vẫn phủ từng lớp trên các đồ vật. Nghe một cụ già ở Thôn Dày (xã Chấn Thịnh) bày tỏ: “Đến quyền được hít thở không khí trong lành của người dân nơi đây cũng là một sự xa xỉ!”. Câu nói nghe thật buồn và có vẻ hơi vô lý nhưng đó là sự thực 100% đang tồn tại ở nơi đây.
Xe tải chở quặng trên đường giao thông từ nhà máy ra gây bụi như sương mờ.
Từ ngày Nhà máy Quặng hoạt động người dân nơi đây gặp rất nhiều hệ luỵ về môi trường, sức khoẻ, cảnh quan thiên nhiên gần như biến dạng. Những ảnh hưởng của Nhà máy Quặng đến người dân ba xã Chấn Thịnh, Bình Thuận, Minh An là rất lớn. Khi diện tích sản xuất nông lâm nghiệp bị thu hẹp, sông suối, môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm, đường giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng, hỏi rằng người dân tại đây sẽ phải sống như thế nào!? Câu hỏi chính đáng này của người dân, cơ quan báo chí xin chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Văn Chấn, UBND tỉnh Yên Bái giải đáp.
Nước và chất thải ô nhiễm sau cửa xả của hồ lắng Nhà máy quặng sắt làng Mỵ
Hình ảnh người đàn ông Mông đứng trên đập tràn nhà máy quặng hướng ánh mắt quằn quại về phía đại ngàn. Ánh mắt như níu kéo, mong đợi. Chắc rằng ánh mắt đó đang đau đáu về việc mấy năm nữa con cháu của anh ta sẽ sống ra sao. Hay thay vào đó người dân nơi đây sẽ nhận được sự chút giận của mẹ thiên nhiên. Mẹ thiên nhiên rất hiền hoà, bao dung, đùm bọc, nuôi sống bao kiếp người trên mảnh đất thôn Dày. Mọi sự đều có giới hạn của nó. Con người đừng phá vỡ giới hạn chịu đựng của thiên nhiên. Vì nếu sự giận dữ đó xuất hiện, nó sẽ là hệ quả cuối cùng. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi.
Để phân tích rõ nỗi đau, sự mất mát của người dân xã Chấn Thịnh, tỉnh Yên Bái sau mười một năm Nhà máy Quặng hoạt động, phóng viên Cơ quan báo chí DN&HN đang tiếp tục liên hệ, tìm hiểu thông tin tại các cơ quan đơn vị.
Khải Hoàn