Ông Trần Văn Dững - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc. |
Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập có buổi trò chuyện với ông Trần Văn Dững - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc về vấn đề bám sát quy hoạch và quản lý đô thị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuyên Mộc.
Thưa ông, Xuyên Mộc từ một huyện thuần nông sau khi chuyển dịch sang phát triển du lịch, đang nổi lên là một địa phương có các dự án quy mô về du lịch, nghỉ dưỡng. Xin ông đánh giá về hiệu quả từ các dự án du lịch mang lại đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương?
Ông Trần Văn Dững: Trên tuyến đường du lịch ven biển, Xuyên Mộc có 34 cơ sở lưu trú, trong đó có 10 cơ sở được xếp hạng sao; 01 cơ sở xếp hạng 2 sao; 01 cơ sở xếp hạng 3 sao; 05 cơ sở xếp hạng 4 sao và 03 cơ sở xếp hạng 5 sao (The Grand Hồ Tràm, Melia Hồ Tràm, Angsana & Dhwa Hồ Tràm); Khu vui chơi giải trí Tropicana, Cầu ngắm biển Hamptons; Khu phức hợp Novaworld, KND Minera Hot Spings Bình Châu… Điều này chắc chắn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương, mang lại nguồn thu đáng kể từ du lịch. Những lợi ích mà các dự án du lịch mang lại có thể thấy rõ qua một số khía cạnh như:
Tăng trưởng doanh thu: Các dự án du lịch lớn giúp thu hút du khách từ trong và ngoài nước, làm tăng lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại địa phương. Điều này không chỉ tăng nguồn thu từ vé tham quan, dịch vụ lưu trú và ẩm thực mà còn kích thích sự phát triển của các dịch vụ phụ trợ như: ăn uống, vận chuyển, bán lẻ, và giải trí.
The Grand Hồ Tràm - Một trong những dự án lớn 5 sao tại huyện Xuyên Mộc. |
Nâng cao đời sống của người dân: Các dự án du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, từ các vị trí trong khách sạn, nhà hàng, đến các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ như dịch vụ hướng dẫn viên, buôn bán hải sản, hay tổ chức các tour du lịch. Các cơ hội nghề nghiệp này không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn giúp họ có cơ hội học hỏi và phát triển các kỹ năng mới liên quan đến ngành du lịch và dịch vụ. Sự phát triển du lịch mạnh mẽ ở Xuyên Mộc không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống người dân địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu du lịch huyện Xuyên Mộc, tổng doanh thu ngành du lịch 9 tháng đầu năm, tổng lượng khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng tại các khu, điểm tham quan du lịch và bãi tắm công cộng ước đón và phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế ước khoảng 76.939 lượt khách và khách nội địa ước khoảng 2.045.073 lượt khách) tăng 25,34% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 2.658,754 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 926,363 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ ăn uống và dịch vụ khác ước đạt 1.732,391 tỷ đồng) tăng 26,97% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu hút hơn 4.000 lao động tại địa phương, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hiện Xuyên Mộc có bao nhiêu dự án bất động sản để phát triển du lịch? Việc khuyến khích các hình thức đầu tư du lịch thân thiện với môi trường được huyện thực hiện như thế nào?
Ông Trần Văn Dững: Hiện nay, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có 48 dự án du lịch đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, có 19 dự án đã hoàn thành và hoàn thành một phần đưa vào hoạt động, 22 dự án đang triển khai xây dựng, 07 dự án đang rà soát thủ tục đất đai.
Ngày 17/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-UBND về Ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 09//NQ-TU ngày 27/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo “Có biện pháp quản lý tài nguyên du lịch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu tác động đến du lịch; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên”.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi thiên nhiên, tàn phá môi trường để phát triển kinh tế. Chúng tôi phát triển bền vững, đi chậm mà chắc.
Dư địa đất đai tại Xuyên Mộc còn rất lớn, huyện vẫn còn khoảng trên 500 ha quy hoạch đất thương mại dịch vụ phù hợp cho phát triển các dự án du lịch. Ngoài ra, quỹ đất để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng (thực hiện theo Luật Lâm nghiêp) vẫn còn rất lớn, khoảng 2.000 ha trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và hơn 850 ha trong rừng phòng hộ tại xã Phước Thuận.
Huyện Xuyên Mộc có nhiều ưu thế về địa lý có rừng, có biển để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển chất lượng cao. |
Để đa dạng các sản phẩm du lịch và giữ chân khách lưu trú lâu hơn thì địa phương vẫn chưa có nhiều các nhà cung cấp dịch vụ. Tại đây chưa phát triển được nhiều các loại hình homestay để đa dạng nguồn khách tới Xuyên Mộc. Do vướng các yếu tố pháp lý về luật Lâm nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp… vì tất cả đều phải tuần thủ theo pháp luật.
Theo ông, việc quy hoạch du lịch tại Xuyên Mộc đã đồng bộ hay chưa? Có dẫn đến tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, cơ sở hạ tầng, giao thông đã được quan tâm đúng chưa?
Ông Trần Văn Dững: UBND huyện Xuyên Mộc luôn quan tâm rà soát việc đồng bộ các cấp độ quy hoạch, đến nay vẫn chưa để xảy ra tình trạng xây dựng tự phát.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các địa phương lân cận như Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, giao thông tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang được đầu tư rất nhiều, để rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu và đi các huyện. Và tôi tin là du khách sẽ lựa chọn vào các địa điểm du lịch của Bà Rịa- Vũng Tàu nói chung và Xuyên Mộc nói riêng.
Cơ sở hạ tầng, giao thông đã được quan tâm cải thiện từng giai đoạn theo lộ trình phát triển du lịch, các tuyến giao thông huyết mạch đã và đang được đầu tư như Quốc lộ 55, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường ven biển ĐT.994, tỉnh lộ 328, tỉnh lộ 329 v.v. UBND tỉnh đặt mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Xuyên Mộc thành trung tâm du lịch mới của tỉnh.
Vấn đề nước sạch và xử lý rác thải là vấn đề nổi cộm của huyện Xuyên Mộc. Đến nay tỉnh và huyện đã có các giải pháp căn cơ chưa, thưa ông?
Ông Trần Văn Dững: Huyện Xuyên Mộc gồm có 12 xã và 01 thị trấn. Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn huyện khoảng 90 tấn/ngày. Đối với các ngày lễ, ngày nghỉ cao điểm có thể phát sinh lên tới 160 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác thải trên được các đơn vị, tổ, đội thu gom thuộc địa bàn các xã, thị trấn thu gom vận chuyển về 02 bãi trung chuyển tại xã Phước Tân và xã Phước Thuận. UBND huyện hợp đồng với đơn vị vận chuyển, vận chuyển toàn bộ khối lượng phát sinh trong ngày tại 02 bãi trung chuyển nêu trên về khu xử lý rác tập trung Vina Kbec tại thị xã Phú Mỹ để xử lý.
Do toàn bộ lượng rác thải được thu gom vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện xử lý trong ngày cho nên huyện không có khu xử lý rác thải và cũng không bị ô nhiễm về rác thải sinh hoạt. Các điểm đen về ô nhiễm môi trường do xả rác thải bừa bãi đã được UBND huyện xử lý, xóa bỏ từ năm 2021.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện đều có hợp đồng thu gom rác thải đối với các đơn vị thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại huyện Xuyên Mộc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.