Xuất nhập khẩu gỗ: “Hợp pháp” và “bền vững” trở thành 2 từ khóa quan trọng

22:03 15/10/2022

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn tính hợp pháp của gỗ, cả chính sách mua sắm công, lẫn mua bán trên thị trường. “Hợp pháp” và “bền vững” trở thành 2 từ khóa quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu gỗ.

Chia sẻ tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” vừa diễn ra tại Đồng Nai, ông Lưu tiến Đạt, Tổng Cục Lâm nghiệp, cho biết, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã ký kết từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019. Hiệp định hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững. 

Ảnh minh họa
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”. 

Hiệp định VPA/FLEGT đã trở thành một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Quá trình thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT của Việt Nam đã được thông qua “nội luật hóa’’ bằng Nghị định 102 (Chính phủ ban hành vào ngày 1/9/2020). 

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang EU. Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, ông Đạt cho biết, tuy Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ đến hơn 100 quốc gia, nhưng cũng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ gần 80 quốc gia, vì thế dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật và chính sách về quản lý rừng và thương mại gỗ. 

Đại diện cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest chia sẻ những năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU phải cung cấp nhiều loại giấy tờ cho đối tác mua hàng để họ thực hiện giải trình, chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu với cơ quan chức năng phía EU. Doanh nghiệp đang mong ngóng được cấp giấy phép FLEGT để không còn phải làm nhiều loại giấy tờ nữa.  

Ảnh minh họa
 Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ đến hơn 100 quốc gia và các yêu cầu từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. 

“Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đều đã tuân thủ các quy định pháp luật về gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, việc không biết đến ngày nào giấy phép FLEGT mới được cấp, khiến các doanh nghiệp rất sốt ruột”, ông Hoài nói. 

Đó là chưa kể tới, thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn tính hợp pháp của gỗ, cả chính sách mua sắm công, lẫn mua bán trên thị trường. “Hợp pháp” và “bền vững” trở thành 2 từ khóa quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu gỗ. 

Vừa qua đoàn doanh nghiệp Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ chủ động sang Việt Nam đi kiểm tra các doanh nghiệp hợp tác tốt (khoảng 40 doanh nghiệp). Phái đoàn muốn kiểm tra thực nghiệm theo sự lựa chọn ngẫu nhiên. Họ kiểm tra xem doanh nghiệp khai báo có đúng không, nhà máy có thực sự sản xuất không. 

Khẳng định việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT đối với các doanh nghiệp ngành gỗ tuy đang gặp rất nhiều thách thức trước mắt, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài, ông Hoài khuyến cáo: Các doanh nghiệp ngành gỗ cần nhanh chóng đầu tư nguồn lực (nhân lực và tài chính) vào cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

“Các doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định về lao động, môi trường, bảo hiểm xã hội, quản lý chuỗi cung ứng. Có như vậy, những “Hộ chiếu xanh FLEGT” mới đến tay doanh nghiệp, để  sản phẩm gỗ Việt Nam tăng tốc mở rộng thị trường tại EU cũng như trên toàn thế giới", ông Hoài nhấn mạnh.

Hà Anh