Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi Việt đứng trước những cơ hội lớn trong 2022

13:48 24/12/2021

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong năm vừa qua đã có những bước tiến đáng kể bất chấp những ảnh hưởng của Đại dịch và đã có những tín hiệu tươi sáng cho năm tới.

Thức ăn chăn nuôi được sử dụng ở Vương quốc Anh
Thức ăn chăn nuôi được sử dụng ở Vương quốc Anh. (Ảnh: Incentive UK)

Cụ thể, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã có những tăng trưởng ngoạn mục trong những năm gần đây với mức bình quân từ 13%-15%/năm. Số liệu thống kê cho thấy tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ gần 11 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt trên 20 triệu tấn. Do vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.

Ở khía cạnh khó khăn trong năm qua, ngành thức ăn chăn nuôi của chúng ta không bị ảnh hưởng nặng nề như một số ngành khác do tác động của Đại dịch nhưng vẫn chịu tác động trên cả khía cạnh cung và cầu. Chưa dừng lại ở đó, Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, trường học, nhà hàng và khách sạn giảm cũng làm cho giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi giảm tương đối sâu, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, mà còn khiến những đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, doanh nghiệp sản xuất thức ăn gặp muôn vàn khó khăn.

Đề cập tới nguyên liệu đầu vào của ngành, yếu tố này cũng bị ảnh hưởng do Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nội địa rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu xuất phát từ ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn ở khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, chi phí vận chuyển tăng tương đối nhiều dẫn đến chi phí nguyên liệu cho ngành tăng từ 20%-30% - làm giá thành sản phẩm cũng tăng theo đó.

Trong ngành chăn nuôi trong nước chi phí thức ăn chiếm khoảng từ 80-85% giá thành chăn nuôi trong khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu - 70-80% với các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương. Tuy chịu những khó khăn kể trên, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục gia tăng và đã dừng mốc gần 4,15 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới chuyên môn dự báo cho tình hình ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn rất xán lạn đến từ cách điều hành phù hợp của Chính phủ là sống chung với Covid sẽ giúp các nhà hàng, bếp ăn, các nhà máy sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng lên, và ngành thức ăn chăn nuôi cũng có triển vọng tốt hơn. Thêm vào đó, nhiều quốc gia cũng xác định sống chung với Covid -19 nên sẽ nới lỏng vấn đề quản lý giúp cho chi phí vận tải biển giảm xuống. Các doanh nghiệp đã tự đánh giá tình hình năm tới như sau: 57,1% doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút so với năm 2021; 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng và 28,57% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút.

Mai Hạnh