1.600 tấn lô gạo thơm đầu tiên xuất khẩu mở màn năm 2021
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND TP. Cần Thơ công bố xuất khẩu lô gạo 1.600 tấn đầu năm 2021 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đi Singapore và Malaysia.
Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài; trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sẽ được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn. Đây là mức giá rất cao - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An chia sẻ.
Bên cạnh lô hàng nói trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức. Theo ông Phạm Thái Bình, năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là về giá trị. Tuy khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không tăng so với năm 2019 nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng hơn 9%.
Ngay trong những ngày đầu năm 2021, nhiều công ty thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam; trong đó có Công ty Trung An đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam vừa ký kết vào ngày 15/11/2020.
Theo Bộ NN&PTNT, Malaysia và Singapore là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi chúng ta ký kết Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Những tín hiệu này đang cho thấy một triển vọng xuất khẩu (XK) tươi sáng của ngành nông nghiệp trong năm 2021, nhất là đặt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang tới nhiều cơ hội về cắt giảm thuế quan.
Ông Phạm Thái Bình đánh giá, thị trường gạo trên thế giới hiện nay mở ra nhiều thuận lợi, giá chào bán tốt, đặc biệt khách hàng từ thị trường EU đàm phán đặt hàng nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là giá gạo Việt Nam rất khó tăng cao hơn nữa khi đang phải cạnh tranh với các nước cùng sản xuất, XK gạo như Ấn Độ, Thái Lan.
Đồng thời, khó khăn của các DN là chi phí vận chuyển của các hãng vận tải tàu biển rất đắt đỏ, khiến hàng hóa Việt Nam càng khó cạnh tranh.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ngành nông nghiệp đã đạt được kim ngạch XK lên tới hơn 41 tỷ USD trong năm 2020. Hiện nay, đang có 1.360 DN nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Với sự tham gia của DN, hàng nông sản Việt Nam sẽ có thể XK được nhiều, thu về giá trị cao hơn.
Trong giai đoạn 2017-2020, có khoảng 57.000 tỷ đồng của khu vực DN tư nhân được đầu tư vào chế biến nông sản, với sự ra đời của 62 tổ hợp nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.
"Thấy có lợi, có tiềm năng thì DN mới đầu tư. Vì vậy, để thu hút thêm DN, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện tốt nhất cho DN", ông Toản nói.
Hóa giải thách thức
Tuy nhiên, XK nông sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ những cơ hội, thách thức ở một số thị trường XK nông sản chính của Việt Nam.
Đơn cử, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng, kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình XK gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo phản ánh của nhiều DN, dù có những tín hiệu tích cực, song XK nông sản vẫn đang rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Từ câu chuyện thiếu container, chi phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần tới nhu cầu tại các thị trường sụt giảm mạnh...
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta mở cửa thị trường thì dễ nhưng để đưa được hàng vào thì không đơn giản do năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) còn yếu.
Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tăng cường năng lực cho các hộ, HTX thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, rồi ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2021, cần thúc đẩy nâng cao năng lực của các hộ nông dân, HTX để họ tham gia vào chuỗi giá trị.
Cùng với đó, cần có những thay đổi về chính sách để các HTX có thể tiếp cận vốn, đất đai... Hiện nay, HTX muốn đầu tư xây dựng nhà sơ chế, kho bãi nhưng không có đất, hay đất cho chăn nuôi cũng rất khó khăn...
Về thị trường, Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thị trường. Việc nghiên cứu nhu cầu thị trường về tiêu chuẩn, trách nhiệm xã hội..., rất nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, HTX, kể cả DN hiện nay cũng chưa biết rõ.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, chúng ta thống nhất quan điểm sản xuất nông nghiệp nói riêng và sản xuất nói chung phải gắn với các tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để thực thi khẩu hiệu này là vấn đề gốc rễ. Và chắc chắn đối với nông nghiệp, vai trò của Bộ NN&PTNT sẽ phải cùng với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để chuyển tín hiệu thị trường này đến với người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp.
Tất nhiên, còn có những yếu tố khác liên quan đến mô hình, phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần bổ sung đánh giá về công tác tổ chức thực thi các FTA trong chiến lược tổng thể quốc gia, bởi ngành nông nghiệp sẽ làm chính trong lĩnh vực này.
Để thực thi tốt cam kết hội nhập, vai trò của các DN trong việc tham gia vận hành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá Bộ NN&PTNT đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, thời gian tới cần cơ chế chính sách để thay đổi mô hình sản xuất một cách tận gốc để đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp và có vai trò của DN nhằm đưa công nghệ, tín dụng, đồng thời đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng đó.
"Để thực hiện hội nhập và phát triển trong bối cảnh phát triển chung của kinh tế số và của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể để quên câu chuyện đào tạo cho người nông dân. Kinh tế số, thương mại điện tử trong nông nghiệp là công cụ và con đường rất hiệu quả để giúp cho người nông dân Việt Nam rút ngắn khoảng cách trong chuỗi ứng thông qua các khâu phân phối", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, năm 2020, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ qua. Bộ luôn ủng hộ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
Trong năm 2021 tới, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường; tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan từ hiệp định tự do hóa thương mại hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. Doanh nghiệp cần cùng với nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để mở rộng thị trường, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.
Bảo Bảo