Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định ngành dệt may Việt đang “chịu trận” khá nặng trong 8 tháng đầu năm nay và 3 tháng của năm 2018 khi mà thương chiến Mỹ – Trung leo thang chưa biết đến lúc nào sẽ dừng lại.
Đối mặt nhiều áp lực
Riêng với lĩnh vực sợi, trước đây, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu (XK) sợi tương đối mạnh vào thị trường Trung Quốc (hàng năm kim ngạch nhập khẩu hơn 2 tỷ USD). Thế nhưng trong 8 tháng qua, sản lượng sợi Việt Nam XK sang nước này giảm sâu.
Có 3 nguyên nhân cho sự sụt giảm này. Thứ nhất là đồng Nhân dân tệ phá giá nên XK sợi của Việt Nam vào Trung Quốc không cạnh tranh nổi về giá. Thứ hai, thương chiến làm các đơn hàng ở mặt hàng sợi tụt giảm, sức mua thấp ở các nhà sản xuất vải, đặc biệt là sợi Polyester (sợi tổng hợp). Thứ ba là do điều kiện về thời tiết khí hậu khiến cho sức mua của thị trường chung cũng giảm.
Theo ông Vũ Đức Giang, đang có một sức ép cho phần cung thiếu hụt đối với ngành dệt may Việt, đặc biệt là Việt Nam đang thâm thủng mạnh về việc nhập khẩu vải từ Trung Quốc.
Những đơn hàng sản xuất của Việt Nam từ nguồn nguyên liệu Trung Quốc nhập khẩu có dấu hiệu bị chậm và có mức giá cạnh tranh. Trong lúc đó, các buyer (nhà thu mua) ở Mỹ, EU hay Nhật Bản, Hàn Quốc luôn luôn đặt ra sức ép về giá giảm.
Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) Việt khi mua vải Trung Quốc thì lại bị găm giá. Thậm chí, thời gian giao hàng cũng rất phức tạp.
Chưa kể, vấn đề thanh toán cũng tạo ra không ít thách thức khi mà thương chiến leo thang. Nếu như DN dệt may Việt Nam mua nguyên liệu đầu vào thì phải thanh toán theo phương thức L/C (thư tín dụng) trả ngay; ngược lại, khi DN bán sản phẩm quần áo sang các nước thì bị ép phải thanh toán theo phương thức L/C trả chậm từ 30 ngày, 60 ngày, thậm chí 90 ngày.
“Đây là áp lực cực kỳ lớn, dù rằng phương thức thanh toán L/C này có phần phí mà DN được hưởng nhưng cũng là một rủi ro và một số DN của chúng ta đang bị dính chính rủi ro này”, ông Giang chia sẻ.
Đơn cử như trường hợp một DN XK dệt may do thanh toán theo L/C trả chậm nên đến nay vẫn đang loay hoay kiện cáo ở toà án Mỹ kéo dài từ hồi năm ngoái đối với một tập đoàn bán lẻ của nước này đã bị phá sản.
Ngành dệt may linh động xoay chuyển dù “chịu trận” khá nặng
Trước nhiều rủi ro, đơn hàng mới tăng không nhiều trong các tháng cuối năm, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu đạt kim ngạch XK dệt may trong năm nay là 40 tỷ USD sẽ phải điều chỉnh, có thể sẽ vào khoảng 39,5 tỷ USD.
Trong 4 thị trường trọng tâm của XK dệt may là Mỹ (chiếm tỷ trọng khoảng 42%), EU (khoảng 22%), Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (15%), việc xuất nhập khẩu sản phẩm, nguyên liệu dệt may với Mỹ là điều mà nhiều DN trong nước đang quan tâm.
Học cách tuân thủ “luật chơi”
Hiện nay, XK sản phẩm dệt may hàng năm của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD, ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu lượng bông nguyên liệu từ Mỹ khá lớn. Để giảm thiểu rủi ro từ thương chiến, lãnh đạo Vitas cho biết Mỹ là một trong những nước mà Việt Nam nhập khẩu bông trọng tâm.
Các DN dệt may trong nước cũng mong muốn ngành bông Mỹ nên sớm thành lập một tổng kho ngoại quan tại Việt Nam để đưa các sản lượng bông nguyên liệu của nước này vào Việt Nam.
Điều đó nhằm giúp các DN dệt may chủ động được thị trường bông, thời gian thu mua bông sẽ ngắn hơn so với hiện tại (khoảng 3 tháng), trong bối cảnh nguồn tài chính của DN dệt may rất khó khăn.
Mặt khác, hiện nay có rất nhiều DN của Mỹ đang đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam và góp phần thay đổi cơ cấu phần cung thiếu hụt trong ngành này. Chẳng hạn một tập đoàn của Mỹ đầu tư một nhà máy sản xuất chỉ khá lớn ở Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Ngoài ra, việc linh động xoay chuyển thị trường XK đang được ngành dệt may làm khá tốt. Đặc biệt là với XK sợi, khi việc xuất sang Trung Quốc gặp khó khăn đang chuyển sang XK tương đối lớn vào thị trường các nước Trung Đông, xuất vào Đài Loan, Hàn Quốc, thậm chí sợi Việt còn XK vào Nhật Bản và xuất sang Mỹ.
Có thể thấy, dù ngành sợi Việt năm nay tương đối khó khăn nhưng đã có bước đáng ghi nhận tích cực là đã chuyển dịch được thị trường rất nhanh. Chính điều này góp phần cho mức tăng trưởng của ngành dệt may trong 8 tháng qua đạt trên 10%.
Qua quan sát XK dệt may trong thời gian qua, ông Vũ Đức Giang nhận định tỷ trọng hàng gia công đang tiếp tục có xu hướng giảm đi rõ rệt, đã chuyển dần sang FOB (tự chủ nguyên liệu) và bắt đầu vào thị trường làm hàng ODM (tự thiết kế mẫu), OBM (tự thiết kế, sản xuất và phân phối).
Nghĩa là ngành dệt may Việt đã bán từ thiết kế, bắt đầu có thương hiệu và chính điều này tác động cực kỳ lớn đến chiến lược phát triển ngành dệt may. Hơn nữa, các DN cũng đang dần nhận ra rằng cần phải học cách tuân thủ “luật chơi” trong các hiệp định thương mại.
Hơn nữa, các DN dệt may Việt cũng phải đảm bảo khả năng cạnh tranh được những yếu tố về sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, cạnh tranh được thời gian giao hàng và cạnh tranh được cả áp lực về giá khi mà thương chiến chưa có điểm dừng.
Thế Vinh