Xuất khẩu của dệt may Việt Nam suy giảm tại các thị trường thế giới

18:09 18/07/2023

Những nguyên nhân khiến thị phần của ngành dệt may Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu suy giảm là do tỷ giá ổn định, lãi suất vay cao, chi phí logistics lớn…

Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang 4/5 thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm trước, duy chỉ thị trường Nhật Bản giữ được tăng trưởng 5%, trong đó EU giảm 6%; Hàn Quốc giảm 6%; Trung Quốc giảm 23% so cùng kỳ.

Riêng tại thị trường Mỹ, trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 5,67 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ, đây là mức giảm 5 tháng lớn nhất kể từ 2019 trước đại dịch. Trong giai đoạn này, Việt Nam giảm 1,3% thị phần so với cùng kỳ tại thị trường Mỹ, trong khi đối thủ cạnh tranh Bangladesh tăng nhẹ 0,5%. Nhìn rộng hơn, trong giai đoạn từ 2020 đến nửa đầu năm 2023, Việt Nam cùng Trung Quốc là 2 nước đánh mất thị phần nhiều nhất tại Mỹ, Việt Nam mất 2,7% trong khi Trung Quốc mất 1,9%.

Nguyên nhân khiến thị phần dệt may của Việt Nam suy giảm tại những thị trường lớn, theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm, nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về mặt vĩ mô, đồng tiền Việt Nam ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD, trong khi đó các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, đơn cử trong nửa đầu năm đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,9%, hiện ở mức 7,2 CNY/USD so với năm 2018, 2019 ở mức 6,3-6,5 CNY/USD, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 28%, đồng Rupee Pakistan mất giá 21,2%, đồng Bảng Ai Cập mất giá 19,9%, đồng Taka Bnaladesh mất giá 5,9%. Điều này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng.

Tiếp đó, doanh nghiệp dệt may đang phải vay vốn với lãi suất cao bình quân 9-11%, cao hơn 5-7% so với Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia.

Logistics cũng là một rào cản lớn đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Cùng đó, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, trong khi đó Bangladesh chỉ ở mức 95 USD, Campuchia 190, Ấn Độ 145 USD. Chi phí tiền lương cao hơn cũng là một trong những yếu tố thách thức cho doanh nghiệp.

Về mặt vi mô, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến cho thị phần giảm. Thực tế cho thấy, Việt Nam không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ, thay vào đó, việc đầu tư, công nghệ kỹ thuật mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ mới của các doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt bằng chung công nghệ, máy móc trong ngành đều ở mức trung bình và thấp, không sản xuất được các mặt hàng như sợi chỉ số cao, dẫn đến mất vị thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Thêm vào đó, việc quản trị sản xuất cũng là một yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng.

Thời điểm nhập xuất nguyên liệu đóng vai trò then chốt trong việc định hình giá thành chi phí sản xuất. Chọn thời điểm mua bông không phù hợp dẫn tới việc chi phí giá thành cao, làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức bủa vây cả trong và ngoài nước nửa đầu năm 2023, cùng với yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thì việc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phục hồi, làm động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới phải trở thành nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm.

Ngọc Phi (TH)

Tags: