Xe vật tư nông nghiệp không qua được chốt
Hai ngày nay, anh Hà Quang Đạo ở xã Lệ Mỹ (Phù Ninh, Phú Thọ) như ngồi trên đống lửa. Đàn gà 60.000 con anh đang nuôi không còn thức ăn. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi ở Phú Thọ không thể qua các chốt kiểm dịch của Hà Nội để sang Bắc Ninh lấy hàng.
Trong khi đó, mỗi ngày trang trại của anh cần 25-30 tấn thức ăn cho gà. Số lượng quá lớn nên không thể tích trữ sẵn. Ngày nào, cũng có 2-3 xe đi lấy cám ở Bắc Ninh. Anh lo ngại, nếu xe thức ăn chăn nuôi vẫn không qua được chốt kiểm dịch của Hà Nội, trang trại gà của anh và nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn sẽ thiệt hại vô cùng lớn.
Anh Đinh Trọng Lâm, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) thừa nhận, xe chở cám cho đại lý của anh buộc phải quay đầu, không thể đi lấy thức ăn chăn nuôi ở Bắc Ninh được. Nhiều hộ chăn nuôi lấy cám cho lợn, gà từ đại lý của anh đang kêu trời vì lợn, gà đói.
Nhiều trang trại gà gặp khó khăn khi xe chở thức ăn chăn nuôi không qua được chốt kiểm dịch (ảnh: TL)
Ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, cho biết, doanh nghiệp của ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển phân bón đi các tỉnh và đưa nguyên liệu về phục vụ sản xuất ở các nhà máy khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và lập các chốt trạm ở cửa ngõ Thủ đô.
"Dù tất cả lái xe của chúng tôi đều có giấy xét nghiệm PCR và cả test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2. Nguyên nhân là do xe chưa có giấy đi vào luồng xanh" - ông cho hay. Do không có nguyên liệu để sản xuất nên ông đã phải cho tạm dừng một dây chuyền sản xuất phân bón.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón phản ánh, xe vận chuyển nguyên liệu không thể qua được các chốt trạm, buộc phải quay đầu khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội dù lái xe của các doanh nghiệp này đều có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SAR-CoV-2. Việc này ảnh hưởng lớn tới sản xuất của doanh nghiệp, hàng không có để cung ứng cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cũng cho hay, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng con giống đưa đi các tỉnh nhưng không qua được chốt kiểm dịch tại Hà Nội.
Thông tin từ Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT) cho thấy, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương khu vực phía Nam. Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.
Theo phản ánh của nhiều HTX, đã có dấu hiệu tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón. Có dấu hiệu khan hiếm các vật tư phục vụ sản xuất như: Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang khó mua túi bao trái xoài, mít do các mối mua hàng của tỉnh là các cơ sở sản xuất nhỏ ở TP.HCM ngừng sản xuất.
Nếu không duy trì được sản xuất do thiếu vật tư nông nghiệp, thời gian tới nguồn cung lương thực thực phẩm sẽ bị thiếu hụt (ảnh: TL)
Không duy trì được sản xuất sẽ thiều nguồn cung
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu không có gì quá phức tạp. Những gì gắn với sản xuất là phải được lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
“Có người bảo thức ăn chăn nuôi, phân bón... không phải thiết yếu nhưng quan trọng là phải lắng nghe yêu cầu của sản xuất, nhu cầu của người dân. Nếu thiếu cây - con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thì bà con làm sao duy trì sản xuất?”, ông nói.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, rất nhanh TP. Cần Thơ đã cụ thể hóa danh mục các hàng hóa thiết yếu được ưu tiên luồng xanh.
Theo Thứ trưởng Tiến, nguồn cung lương thực thực phẩm là một vấn đề lớn cần phải tính đến. Về sản xuất, nếu không có bước chủ động từ bây giờ, cứ kéo dài tình trạng hiện nay thì hai tháng sau, sản xuất nông sản sẽ rất khó khăn. Sản xuất không duy trì được thì thời gian tới nguồn cung lương thực thực phẩm sẽ bị thiếu hụt.
Do vậy, các giải pháp đều phải được triển khai đồng bộ. Các chốt kiểm soát chặt chẽ nhưng không có nghĩa là ngăn cấm. Phần vật tư nông nghiệp đều phải lưu thông thuận tiện để đảm bảo chu kỳ sản xuất có hiệu quả, đảm bảo sản lượng nông nghiệp cho thời gian sắp tới.
“Nếu chỉ tập trung vào phòng chống dịch, không tập trung vào sản xuất thì mục tiêu kép sẽ không đạt được. Lúc đó sẽ khó khăn do thiếu nông sản phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, cần phải tháo gỡ khó khăn cho việc vận chuyển vật tư nông nghiệp. Bởi, nếu sản xuất nông nghiệp không duy trì được, kéo theo nguồn cung thời gian tới sụt giảm, giá thực phẩm sẽ tăng.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản vì việc duy trì sản xuất lúc này rất quan trọng, để đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Tâm An/Vietnamnet