Xây dựng nhà ở cho người lao động: Xem xét thí điểm cơ chế đặc thù

11:39 25/10/2021

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã kiến nghị Chính phủ xem xét thí điểm cơ chế đặc thù trong xây dựng nhà ở cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong quá trình triển khai Dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và một số địa phương thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật… làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của đề án phát triển nhà ở cho công nhân. Do đó, để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. 

  Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân.

Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các văn bản luật, theo hướng: Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và pháp luật khác liên quan đối với nhà ở.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù: Tổng LĐLĐ được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch khu công nghiệp hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Sửa đổi bổ sung Điều 39, Nghị định 99/2015/NĐ-CP cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để cho công nhân thuê.

Trước đó, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh và Ban quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch đối với hồ sơ quy hoạch Dự án thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Yên Phong, do trong quá trình triển khai, một số hạng mục chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như nhằm đáp ứng kịp thời hoạt động của Công đoàn các cấp và chăm lo tốt hơn cho đời sống đoàn viên, người lao động.

Trước đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại Hội nghị về quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐVN năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền. Trong đó, về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này.

Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện đang thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg.

Theo Báo Công thương