Vĩnh Phúc: Tập trung hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương

09:21 17/11/2021

Trong thời gian qua, hàng nghìn lao động từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã trở về Vĩnh Phúc, mong muốn có cuộc sống ổn định tại quê nhà, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo, huyện Yên Lạc có trên 3.500 lao động làm việc ngoài tỉnh, trong đó có gần 2.000 lao động tại các tỉnh, thành phía Nam. Đến nay, huyện đã đón hơn 450 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về, trong đó, tỷ lệ công dân trong độ tuổi lao động khoảng hơn 40%, phần lớn là lao động tự do và công nhân tạm ngừng việc trong các doanh nghiệp. Dự kiến lượng lao động quay trở lại quê nhà vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để ổn định việc làm và cuộc sống cho số lao động từ vùng dịch trở về, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng như tìm hiểu nguyện vọng của người lao động; chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. 

  Nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp tại Vĩnh Phúc.

Cũng theo số liệu báo cáo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có gần 5.500 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về, trong đó, gần 2.400 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phần lớn người lao động hồi hương có điều kiện kinh tế khó khăn và chưa qua đào tạo nghề. Bởi vậy, khi quay trở về quê, nhiều lao động băn khăn, lo lắng chưa biết sẽ làm gì để bảo đảm cuộc sống. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho nhóm lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm bắt các thông tin cơ bản của người lao động hồi hương về công việc đang làm, thời gian thất nghiệp, nhu cầu việc làm mong muốn; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp để tìm việc làm, tăng cường triển khai công tác thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối người lao động và doanh nghiệp.

Các huyện, thành phố cũng chủ động khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, làng nghề, nghề phụ… để hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống giúp người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống khi ở lại quê hương lập nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, trình độ kỹ năng nghề cho người lao động lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước.

 PV