Việt Nam tỷ lệ đô thị hóa bằng một nửa so với các nước phát triển

16:07 01/11/2022

Việt Nam hiện tại tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%. Tại các nước phát triển, tỷ lệ đô thị hóa thường có mức từ 80% trở lên.

Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị.  Con số đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. (Tại các nước phát triển, tỷ lệ đô thị hóa thường có mức từ 80% trở lên - PV). 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%; trong đó, tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh) và các đô thị loại I đạt khoảng 80%; tại các loại đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40-50%.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng. Số lượng Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được ban hành là 181 Quy chế; 250 đồ án thiết kế đô thị là 250 đồ án; tỷ lệ lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99,8%.

Các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị. Đến tháng 10/2022 đã có 49/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; 96 đô thị lập Chương trình phát triển từng đô thị; có 17 tỉnh đã phê duyệt 62 khu vực phát triển đô thị và một số địa phương đã thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Cùng đó, khâu tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị đã được các cấp, ngành quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.

Nhiều địa phương chú trọng đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch đô thị; chương trình phát triển đô thị; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tổ chức thực hiện quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch có nhiều tiến bộ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này

Còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Chất lượng đô thị hoá chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới...

Đánh giá về nguyên nhân

Theo Bộ Xây dựng, hiện nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập; pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định. Khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ...

Trong khi đó, quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo. Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu - Bộ Xây dựng nêu vấn đề.

Cùng với việc chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, thống nhất trong cả nước thì khâu phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế. Đi kém đó là tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

Một số giải pháp cho vấn đề tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phù hợp với vị trí địa lý ở các vùng và điều kiện sinh thái tự nhiên. Trước tiên là hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác. Cần có chiến lược, lộ trình quy hoạch đô thị đồng bộ. Hoàn thiện và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông đường bộ thuận tiện, không ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc nâng năng lực quản lý và đội ngũ làm quy hoạch đô thị, cần tăng thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị. Để nâng cao quản lý đô thị, cần tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị” sau khi được ban hành; tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, công cụ để quản lý phát triển đô thị; tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; nghiên cứu các công cụ để quản lý các đô thị hiện hữu, phát triển mới, các quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp...

Lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được tập trung triển khai cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát huy tối đa các lợi thế phát triển của mỗi đô thị (đô thị vùng núi, ven biển, đảo, cửa khẩu, công nghiệp, sinh thái, du lịch, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, di sản, sân bay…).
Theo đó, khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương cũng sẽ được tăng cường. Cùng đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm ở các cấp và thúc đẩy đối thoại chính sách để nắm bắt, cập nhật tình hình, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế./. 

 D.A (Tổng hợp)