![]() |
Thái Bình cải thiện môi trường kinh doanh, tạo bệ phóng hút đầu tư |
“Thủ tục nhanh gọn, được chính quyền hỗ trợ kịp thời – đó là lý do chúng tôi lựa chọn Thái Bình cho dự án đầu tiên tại Việt Nam.”
Ông Kim Inkyu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hitejinro (Hàn Quốc) đã chia sẻ như vậy khi nói về quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất rượu Soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi nộp hồ sơ đến lúc dự án được khởi công, mọi thủ tục pháp lý – từ quy hoạch, PCCC đến giấy phép xây dựng – đều được các cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý nhanh chóng, minh bạch.
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ minh chứng cho nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, Thái Bình đạt 67,87 điểm PCI – nằm trong top 30 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Đây là lần thứ hai trong ba năm gần đây, Thái Bình đạt được thành tích này.
Đáng chú ý, nhiều chỉ số thành phần cải thiện rõ rệt: tiếp cận đất đai (tăng từ 7,19 lên 7,45 điểm), tính minh bạch (tăng từ 5,95 lên 6,74), chi phí không chính thức (tăng từ 5,01 lên 6,37), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tăng từ 5,26 lên 5,65), đào tạo lao động (tăng từ 5,56 lên 6,49)...
Những con số này phản ánh sự chuyển biến thực chất trong điều hành kinh tế địa phương, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là tinh thần “chính quyền kiến tạo, phục vụ” được quán triệt tới từng cán bộ, công chức.
Không chỉ cải thiện điểm số trên bảng xếp hạng, Thái Bình đang chuyển hóa kết quả này thành những dòng vốn thực tế. Dự án VSIP Thái Bình – mô hình khu công nghiệp xanh, bền vững – đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Ông Lawrence Chan, đại diện Sembcorp Urban (Singapore) – cổ đông sáng lập VSIP – nhận định: “Chúng tôi nhìn thấy sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền Thái Bình trong việc phát triển công nghiệp bền vững. Với vị trí chiến lược, hạ tầng đang hoàn thiện và chính sách hỗ trợ hiệu quả, Thái Bình ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế”.
Bên cạnh ưu đãi về thuế, đất đai và chi phí, Thái Bình còn thành lập tổ công tác riêng hỗ trợ các dự án trọng điểm, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, giải quyết các vướng mắc phát sinh nhanh chóng, đồng thời duy trì cơ chế đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp.
![]() |
Những buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thường xuyên được UBND tỉnh Thái Bình tổ chức |
Theo kế hoạch, năm 2025, Thái Bình phấn đấu thu hút trên 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó FDI đạt trên 1,5 tỷ USD. GRDP dự kiến tăng trưởng trên 10,5%, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng đóng vai trò chủ lực với mức tăng 19,8%.
Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng sông Hồng. Xa hơn, đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu trở thành địa phương phát triển toàn diện, thịnh vượng về kinh tế, tiến bộ về xã hội và đảm bảo cân bằng sinh thái.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định rõ, doanh nghiệp là đối tác, là động lực tăng trưởng. Mọi kiến nghị đều được tiếp nhận, xử lý công khai, minh bạch, với tinh thần không để doanh nghiệp phải tự xoay sở một mình”.