Ảnh minh họa.
Ngày 01/9, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 5.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm. Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 7.782 tỷ đồng. Kết quả huy động lớn hơn do có thêm đấu thầu phụ.
Đấu thầu thêm, nguồn tiền trên thị trường vẫn đáp ứng. Tiền lớn vẫn đang dồn về kênh trái phiếu Chính phủ. Tỷ lệ trúng thầu trên 90% thời gian gần đây phản ánh kết quả thuận lợi.
Thuận lợi khi có cầu lớn, cầu lớn lãi suất phải trả giảm đi, chi phí ngân sách tiết kiệm thêm.
CHI PHÍ TỐT NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY
Ở phiên đấu thầu nói trên, cũng như kết quả gần đây, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm chỉ xoay quanh 1,7%/năm; kỳ hạn 10 năm quanh 2,9%/năm; kỳ hạn 15 năm quanh 3%/năm; kỳ hạn 30 năm quanh 3,5%/năm.
Đó là vùng lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, kể từ khi Chính phủ đi vay qua phát hành và đấu thầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Không những thấp nhất mà vùng lãi suất hiện nay thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.
Cụ thể, dữ liệu BizLIVE tập hợp cho thấy, lãi suất bình quân trái phiếu Chính phủ phát hành trong 8 tháng đầu năm nay chỉ vào khoảng 2,95%/năm, thấ hơn rất nhiều so với lãi suất phát hành bình quân năm 2019 (4,51%/năm), năm 2018 (4,71%); đặc biệt rất thấp so với giai đoạn trước, như mức bình quân năm 2015 6%/năm, 6,54% năm 2014; còn nếu giai đoạn 2010-2013 thì lên tới trên 8%/năm…
Giá trị của giảm thiểu chi phí như trên cũng bắt đầu so sánh sát hơn với chi phí Chính phủ vay vốn ưu đãi nước ngoài.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2019, lãi suất vay vốn nước ngoài vào khoảng 2%/năm. Sang năm 2020, cập nhật gần đây trong một dự thảo của Bộ Tài chính cho biết, mức lãi suất này giảm xuống một chút, khoảng 1,9%/năm.
Điểm được nhìn đến là bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), liên tiếp cắt giảm và đưa lãi suất về gần 0. Tuy nhiên, lãi suất vay nước ngoài nói trên của Việt Nam vẫn không giảm nhiều.
Một phần nguyên do, lãi suất Chính phủ vay trước đây mang tính cố định với các khoản vay kỳ hạn dài. Nhưng, trong cơ cấu và xu hướng, nguồn vay sẽ dần theo lãi suất thả nổi, thương mại hơn và bớt dần ưu đãi, khi Việt Nam đã từng bước thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo…
Nguồn: Bộ Tài chính
TỰ CƯỜNG HƠN, CHỦ ĐỘNG HƠN
Với xu hướng trên, chi phí lãi vay nước ngoài có thể sẽ tăng thêm, khi bớt dần ưu đãi. Ngoài ra, vay nước ngoài vẫn tiềm ẩn chi phí rủi ro tỷ giá, có những giai đoạn chi phí này còn cao hơn cả lãi suất.
Tuy nhiên, từ trong năm 2019 và đến nay, Việt Nam đã tự cường hơn nguồn lực đáp ứng nhu cầu đi vay của Chính phủ
Dũ liệu từ báo cáo của Chính phủ cuối 2019 cho biết, tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên, từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019.
Cơ cấu trên dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, gắn với kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ thuận lợi, với khối lượng lớn được đáp ứng từ nguồn lực trong nước.
Đáng chú ý, tính tự cường còn thể hiện ở cả nguồn vốn vay bằng ngoại tệ. Cụ thể, hiện Chính phủ vẫn còn dư nợ 1,7 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay và 2021. Nguồn này hoàn toàn do định chế tài chính trong nước đáp ứng, thay vì vay nước ngoài. Ở đây cũng cho thấy tiềm lực của một số định chế tài chính Việt Nam đã mạnh lên, chủ động nguồn ngoại tệ so với những giai đoạn trước đây.
Như trên, tỷ lệ vay trong nước và bằng VND tăng lên, Chính phủ cũng giảm thiểu rủi ro chi phí biến động tỷ giá, nhất là khi các đồng tiền chính trong dự nợ (USD, EUR, JPY) thường biến động mạnh.
Năm 2020, Chính phủ có kế hoạch đi vay quy mô đáng kể qua kênh trái phiếu. Đến nay đã huy động được 176.340 tỷ đồng. Nguồn huy động trong 2019 và hiện nay một phần để cân đối lại kỳ hạn và thanh khoản, do giai đoạn trước trái phiếu Chính phủ chủ yếu có kỳ hạn ngắn.
Trong trường hợp Chính phủ gia tăng quy mô huy động nữa, với nguồn tiền trong nước hiện nay, thuận lợi nói trên, khả năng thành công và tính tự chủ, tự cường dự báo sẽ tiếp tục thể hiện.
Minh Đức