Trang mạng futureiot.tech của Singapore mới đây đăng bài viết cho rằng trong 15 năm qua, Việt Nam nổi lên là “trung tâm chế tạo lớn” ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ghi nhận, năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng CIP, xếp thứ 38 trong năm 2018 trong thang chỉ số toàn cầu gồm 152 quốc gia, so với vị trí thứ 41 trong năm 2017.
Báo cáo cho rằng, từ năm 1990, Việt Nam trên đà tăng hạng chỉ số CIP. Việt Nam gần vượt lên trên mức trung bình của thế giới, trong đó 2 chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi hàng hóa sản xuất của Việt Nam chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, vượt trên mức trung bình toàn cầu là 60%.
Tuy nhiên, xét về tỷ trọng các hoạt động công nghệ vừa và cao trong lĩnh vực chế tạo, thứ hạng của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, giảm một bậc khi xếp thứ 40 trong năm 2018.
Xét về tỷ trọng hoạt động công nghệ vừa và cao trong chỉ số giá trị gia tăng toàn ngành chế tạo, thứ hạng của Việt Nam chỉ tăng một bậc, xếp thứ 31 trong năm 2018.
“Đầu kéo” tăng trưởng kinh tế
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi (từ tháng 8/2020) đã tạo thêm động lực cho các hoạt động của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao (11,9%) so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Bà Trịnh Thị Thanh Thủy- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phân tích, trong bối cảnh nhiều nước có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thế giới nhưng đều gặp khó khăn, Việt Nam là một điểm sáng, kinh tế tăng trưởng dương. Tăng trưởng dương của Việt Nam dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như: Chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ôtô... Bên cạnh đó, chế biến nông sản, gia công may mặc... dù không đạt mức tăng trưởng như những giai đoạn trước nhưng kết quả cũng đáng ghi nhận.
Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2019, riêng ngành công nghiệp đã đóng góp 30% GDP, là nhóm ngành đóng góp về ngân sách lớn nhất. Cơ cấu nhóm ngành có sự thay đổi rất tích cực. Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, tránh phụ thuộc vào ngành khai khoáng. Nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, có giá trị xuất khẩu đứng “top” trong khu vực và thế giới như: Điện tử, dệt may, da giày...
Thành tích trong thu hút vốn FDI
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án lớn trong 9 tháng năm 2020 là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020); Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/1/2020)…
Đây có thể xem là thành tích của Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Nhất là việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở đang cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện. Hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập lớn có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD cho thấy tốc độ hội nhập của nhóm doanh nghiệp ngành chế biến – chế tạo là khá nhanh chóng.
Dòng vốn FDI cũng tạo ra năng suất và thu nhập cao, bởi đây mới là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao.
Việc vốn FDI đẩy mạnh vào công nghệ chế biến chế tạo cũng giúp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong chọn lựa các dòng vốn FDI. Hiện nay Việt Nam đã qua thời kỳ kêu gọi FDI tràn lan để đẩy nhanh phát triển kinh tế, thay vào đó là những dòng vốn FDI chất lượng cao, phát triển bền vững.
Thêm vào đó, dòng vốn FDI cũng góp phần đẩy nhanh phát triển của ngành chế biến chế tạo. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như hiện nay, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Hoàn thiện chính sách
Để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Cục Công nghiệp luôn chủ động phối hợp với các tập đoàn và DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh như Samsung, Toyota, kết nối với DN trong nước để đôi bên gặp gỡ nhau...
“Cục đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các DN công nghiệp nói chung, DN công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo nói riêng. Cụ thể, triển khai các nội dung tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ cũng như DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo” - ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như: Công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...; tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Bảo Bảo