"Việc Quốc hội trao thêm thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp chống dịch được xem là biện pháp tình thế"

23:55 30/07/2021

Đó là ý kiến của ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói về nghị quyết kỳ họp của Quốc hội khi bổ sung nội dung tăng thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chống dịch.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Nói về nghị quyết kỳ họp của Quốc hội khi bổ sung nội dung tăng thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chống dịch, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nghị quyết của Quốc hội tạo cho Chính phủ có thêm không gian để hành động một cách phù hợp với tình hình đáp ứng bối cảnh chống dịch hiện nay.

"Với tình hình dịch bùng phát rất phức tạp như hiện nay, mọi quyết định liên quan đến công tác phòng, chống dịch phải rất nhanh. Nếu như Chính phủ không có "không gian" hành động như nghị quyết của Quốc hội đã giao thì sẽ khó khăn", ĐBQH Phan Đức Hiếu nói.

Quyết định vừa qua của Quốc hội khóa XV cũng cho thấy, ngay từ đầu nhiệm Quốc hội đã thể hiện sự năng động, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Việc chống dịch không chỉ Chính phủ, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả nước cùng chung tay. Các cơ quan chức năng, trong đó cao nhất là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Qua đó gửi thông điệp không có cơ quan nào đứng tách ra bên ngoài, tất cả cùng đồng lòng thực hiện một mục tiêu cao nhất là ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế.

"Biện pháp trong Nghị quyết của Quốc hội đưa ra cũng rất hợp lý, nghĩa là có những "không gian" để Chính phủ hành động nhưng vẫn có sự giám sát. Ví dụ như giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội họp 1 lần/tháng - PV), giám sát về mặt thời gian. Nghị quyết của Quốc hội là giải pháp rất hợp lý trong lúc này", ĐBQH Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Việc Quốc hội trao thêm thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp chống dịch được xem là biện pháp tình thế.

"Nghị quyết của Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật cũng giống như luật. Quốc hội trao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở hai phạm vi, thứ nhất có thể làm những việc mà luật chưa quy định để đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện tại là chống dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân; thứ hai, có thể sử dụng những biện pháp khác với luật.
  • Trong Hiến pháp 2013 có quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Rõ ràng Nghị quyết của Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay. Hiện nay TP.HCM và một số tỉnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, có thể còn gia tăng hơn trong những ngày nữa, nên Quốc hội trao thêm thẩm quyền cho Chính phủ để ban hành những biện pháp mang tính cấp bách.

Tình hình đặc biệt đòi hỏi biện pháp cũng phải đặc biệt, hay nói cách khác tình trạng khẩn cấp thì biện pháp cũng phải khẩn cấp, nếu còn chờ đợi thì sẽ mất đi tính thời cơ.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV với trọng tâm là công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy nhà nước, việc Quốc hội bổ sung nội dung liên quan đến công tác chống dịch đây là quyết định sáng suốt và kịp thời", ông Lê Việt Trường nói.

Vẫn theo ông Lê Việt Trường, nếu ở vào trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp cũng phải mất thời gian để soạn thảo các quy định, làm theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như vậy sẽ mất nhiều thời gian không đáp ứng được yêu cấp bách.

Theo Dân Việt