Vị thế của Việt Nam với dòng vốn ngoại từ Hàn Quốc

10:57 07/12/2022

Các nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện sự sẵn sàng tham gia các khoản đầu tư lớn liên kết và hỗ trợ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Sự quan tâm từ các nhà đầu tư Hàn Quốc

Việt Nam từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến ưa thích nhất trên thế giới đối với dòng vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam rất lớn (như Samsung là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, đã đầu tư khoảng 19 tỷ USD vào Việt Nam) và hàng tỷ USD đầu tư thông qua kênh đầu tư gián tiếp (FII) vào các cổ phiếu niêm yết của Việt Nam, kể từ năm 2005, hơn 70 thương vụ M&A đã được thực hiện.

Số liệu tài chính chi tiết Quý 3/2022 của Samsung Electronics vừa công bố cho thấy, riêng 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam trong 9 tháng 2022 đã đem về tổng doanh thu khoảng 56,6 tỷ USD và lợi nhuận gần 4 tỷ USD (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước).

Samsung trong nhiều năm đã sản xuất khoảng một nửa số điện thoại thông minh được tung ra thị trường của mình tại Việt Nam và chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Khoản đầu tư bổ sung sẽ tiếp tục củng cố Việt Nam với tư cách là địa điểm sản xuất chính của Samsung, chính phủ cho biết, sau cuộc gặp vào ngày 06/12/2022 tại Seoul giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và giám đốc điều hành của công ty Han Jong-hee.

Trước đó, tại cuộc tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tập đoàn LG trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, ông Kwon Bong-seok, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cũng cho biết, tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.

Thời gian qua, tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án tại Hải Phòng với mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh với tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỷ USD. Tập đoàn này còn hình thành mạng lưới các dự án vệ tinh, sản xuất phụ trợ với khoảng hơn 50 doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

Các thông báo được đưa ra khi Việt Nam và Hàn Quốc cho biết họ đã nâng cấp quan hệ lên 'quan hệ đối tác chiến lược toàn diện', mà cho đến nay Việt Nam mới chỉ thiết lập với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Trong báo cáo tháng 11/2022 của Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với lũy kế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 80,5 tỷ USD, chiếm 18,6% về tổng số vốn và 26% tổng số dự án FDI.

Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, khoảng 370 triệu USD đã được rót vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo dự báo, trong thời gian tới, ngày càng nhiều tập đoàn Hàn Quốc gia nhập và tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các hoạt động M&A.

Trên thực tế, quy mô các thương vụ M&A ngày càng lớn và các cơ hội giao dịch chưa bao giờ đa dạng như hiện nay, nhờ sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tăng trưởng GDP bình quân đầu người mạnh mẽ. Cùng với sự trỗi dậy của quốc gia, người Việt Nam cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ, biết bảo vệ môi trường và năng lượng, độc lập về tài chính và có ý thức về sức khỏe. Cơ hội M&A trong các lĩnh vực này đang tăng rất cao trên thị trường.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện sự sẵn sàng tham gia các khoản đầu tư lớn liên kết và hỗ trợ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng của Việt Nam. Các dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế và sức khỏe nằm trong các lĩnh vực đầu tư được ưa chuộng. Họ cũng đã đầu tư vào các doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu.

Samsung và LG lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ đô la vào Việt Nam
Samsung và LG lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ đô la vào Việt Nam.

Nỗ lực được đền đáp

Sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (đặc biệt là Samsung) tập trung nhiều vào sản xuất nhóm hàng điện thoại và linh kiện. Nhóm hàng này trong 11 tháng 2022 có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ngoài dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc, trong Bảng Xếp Hạng 2022 của Cushman & Wakefield được công bố mới đây cho thấy Việt Nam tiếp tục lọt Top điểm đến hấp dẫn, phù hợp nhất để sản xuất trong số 45 quốc gia ở Châu Âu và Trung Đông, Châu Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các biến số chi phí, rủi ro và điều kiện kinh doanh chung.

Đây được xem là yếu tố góp phần thúc đẩy ​​sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ kết nối địa lý và nhu cầu ngày càng tăng đối với việc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam của các tập đoàn lớn. Các hãng tàu lớn như MSC, Maersk và CMA CGM đang đầu tư vào công suất mới tại Việt Nam để mở rộng hoạt động.

Dựa trên số liệu từ các khu công nghiệp tại Việt Nam, 70% các công ty lớn đang chuyển hoặc có kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là những công ty công nghệ. 

Từ xu hướng này, giới chuyên gia cho rằng thị trường logistics của Việt Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu vận tải hàng hóa của những tập đoàn lớn. Theo ước tính hiện có 30 nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, như DHL, FedEx, Maersk, Apple, KMTC Logistics, CMA CGM, MSC…

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, với nhiều cơ hội mở ra từ việc tăng thu hút dòng vốn ngoại, nên các hãng này đã tăng cường vị thế của mình thông qua các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia cũng nhận thấy nhiều triển vọng ở Việt Nam trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ vừa tăng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới, vừa tạo sự thuận lợi hơn nữa cho thương mại xuyên biên giới với các quốc gia châu Âu và các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. 

Nhìn chung, với tư cách là một điểm đến sản xuất hấp dẫn thì Việt Nam cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có và tiếp tục cải thiện về rủi ro kinh doanh, về chi phí sản xuất, tạo thuận lợi thuận mại…nhằm chứng tỏ sự vượt trội của mình.

Tú An (t/h)