Về miền Tây Nam Bộ hòa mình cùng Tết Chol-chnam-thmay cổ truyền của người Khmer

16:07 12/04/2021

Tết Chol-chnam-thmay (ngày 14,15,16 tháng tư Dương lịch) là ngày Tết cổ truyền của người dân Khmer miền Tây Nam Bộ. Tết của người Khmer mang nét đặc trưng riêng và là ngày lễ quan trong nhất trong năm.

Không khí tết Chol-chnam-thmay của người Khmer (nguồn: Internet)
Không khí tết Chol-chnam-thmay của người Khmer (nguồn: Internet).

Tết Chol-chnam-thmay là gì?

Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây (ngày thay năm cũ vào năm mới) hay còn gọi là “Lễ chịu tuổi’’. Đây là Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ, Chol Chnam Thmay diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch. Lúc ấy, bà con dù đi đâu xa hoặc bận công việc làm ăn thì cũng đều về nhà, về phum sóc để dự lễ. Lễ hội Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16 – 4, sau khi mùa màng thu hoạch. Tết này cũng có nghĩa là mở đầu cho một thời vụ mới. Trong ngày đầu của Lễ, các thành viên trong gia đình quây quần bên bàn thờ tổ tiên cúng vái tiễn Thần coi sóc cũ, đón Thần coi sóc mới.

Đến miền Tây Nam Bộ để hòa cùng không khí tết Chol-chnam- thmay.

Đến dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam bộ, du khách sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động với những điệu múa rô băm, múa lăm thôn, múa dù kê… tại các ngôi chùa Khmer cổ kính, kiến trúc độc đáo. Du khách cũng có thể khám phá, trải nghiệm Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer trên khắp các phum, sóc của người dân địa phương.

Ngoài ra, vào dịp này, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bánh từ nếp như bánh ú, bánh tét cốm dẹp, bánh tét cẩm... và các món đặc sản khác của người Khmer. 

Bánh tét cẩm là món ăn truyền thống của người Khmer trong Tết Chol Chnam Thmay (nguồn: Internet)
Bánh tét cẩm là món ăn truyền thống của người Khmer trong Tết Chol Chnam Thmay (nguồn: Internet).

Những ngày đầu năm mới, người ta đến nhà nhau thăm hỏi sức khỏe, chúc gặp may mắn và sức khỏe. Còn trong từng gia đình, bao giờ cũng được trang trí đẹp mắt, dọn dẹp sạch sẽ. Người người mua sắm lễ vật nhang đèn và hoa quả. Nhiều mâm lễ được đội vào chùa để làm lễ đón năm mới. Ngoài ra, dịp năm mới này người Khmer thường tổ chức vui chơi những trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, bịt mắt bắt dê, ném chuông (ném coòng)…

Ngày thứ hai có tục “đắp núi cát”, mang  ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người không ngừng tạo phúc ngày một cao vời, lớn lao như núi. Còn trong ngày cuối cùng, bà con tiến hành lễ tắm Phật. Đây là lễ rất lớn và trang trọng. Bà con dùng những nhánh hoa nhúng vào nước sạch vẩy lên tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư cao niên, các ngôi tháp đựng hài cốt các vị sư đã viên tịch,… Nghi lễ này mang theo niềm tin rằng sẽ được Phật tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, ban nhiều sức khỏe, phum sóc yên ổn. Trong lễ tết Chol Chnam Thmay, người ta tổ chức nhiều cuộc vui văn nghệ với các điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn,… tại sân chùa. 

Các gia đình trong ngày đón năm mới thứ hai lễ Tết Chol Chnam Thmay sẽ nấu cơm dâng lên các nhà sư (nguồn: Internet)
Các gia đình trong ngày đón năm mới thứ hai lễ Tết Chol Chnam Thmay sẽ nấu cơm dâng lên các nhà sư (nguồn: Internet).

Tháng tư này, nếu có dịp đến miền Tây Nam Bộ, du khách đừng nên bỏ lỡ dịp lễ tết lớn nhất của người Khmer nơi đây. Cùng đắm chìm vào bản sắc văn hóa có một không hai, đón năm mới cùng người dân địa phương và cảm nhận sự ấm áp, chân tình của con người nơi đây.

P.V