Nhưng nếu là thoạt nghe đôi câu thơ rơi, vài điệu lý câu hò huê tình, câu hát dân ca cần lao hay khi lỡ bắt gặp đâu bài nghe vẻ nghe ve lại có thể thức dậy giác quan khiến lòng nhớ mong và hiểu “nàng Thơ” hơn một chút. Thậm chí ngay cả khi ai đó chưa có dịp đặt chân đến Cần Thơ, thông qua mấy nhịp dân ca rồi cũng trước lạ sau quen, bỗng thấy ta và nàng tình trong như đã tự lúc nào.
Vẻ đẹp cảnh sắc của Cần Thơ thường không đứng riêng biệt như bức họa đồ. Thay vào đó, cảnh và người cứ cùng nương nhau để cho ai đó bắt gặp không khỏi nức lòng:
“Trường Long nước trong con gái đẹp
Rạch Ông Hào cảnh lịch người xinh”.
Thật vậy, cảnh tượng thiên nhiên tựa sắc nước hương trời cùng vẻ đẹp của tình duyên, vẻ đẹp khi người ta thương nhau mới thật khiến người ta xuyến xao. Có khi, thiên nhiên còn trở thành cái cớ se duyên cho đôi trai gái:
“Phong Dinh đẹp lắm ai ơi
Bậu về bên đó cho tôi cùng về.”
Cần Thơ xưa nay đặc biệt nổi tiếng với biểu tượng thủ phủ miền Tây Nam Bộ nên duyên nên dáng sánh cùng vẻ đẹp của các đôi trai tài gái sắc:
"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.
Giờ đây thành phố Cần Thơ sầm uất, phát triển nhiều mặt, nhưng tuyệt nhiên đó không phải dáng vẻ lai tạp. Huỳnh Minh trong Cần Thơ xưa và nay mấy mươi năm trước đã nhìn nhận và tin tưởng cách tích cực về sự đổi mới của vùng đất này rằng: "Cần Thơ để cho xứng danh Tây Đô càng chóng thay đổi bộ mặt tân kỳ, và kể cũng biết bao đoàn hậu tấn đã cố gắng để không thẹn với tiền nhân, với quê hương xứ sở". (Huỳnh Minh. 2001. Trang 247). Dẫu sao, vẻ đẹp của Cần Thơ không phải chỉ còn “vang bóng một thời" mà theo dòng đương đại chảy trôi, chỉ cần chân thành tìm đến, cảm lấy, miền Tây Đô sẽ lại khiến ta thêm một lần “tay bắt mặt mừng” bởi cảm giác thân thuộc. Xin mượn câu trong bài Chợ Nổi có ý thơ rất thú của tác giả Chử Thu Hằng, đó là vì nếu chẳng may lỡ say lòng thì lại trở thành người thơ lúc nào không hay:
“Bềnh bồng chợ nổi Cần Thơ
Tôi thành thi sĩ ngẩn ngơ gieo vần…”
Dân gian cũng truyền miệng đôi câu tỏ ra cái “chất nghệ sĩ" của bất cứ ai có dịp đứng trước cảnh vật, kiến trúc nơi “Cầm Thi Giang" (con sông của thi ca - cách nhắc nhớ về Cần Thơ):
“Chợ Cái Răng, xứ hào hoa,
Phố lầu hai dãy xinh đà nên xinh.
Có trường hát, cất rộng thinh,
Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca”.
Bên cạnh một“Cần Thơ cảnh vật tươi xinh/ Gợi lòng du khách đậm tình nước non” (Huỳnh Minh. 2002. Trang 192) đáng thưởng lãm muôn phần thì sản vật, lúa gạo, hoa màu nơi đây cũng rất mực dồi dào cũng đem lại vẻ giàu có, đáng chân quý của xứ sở:
Cần Thơ xứ lắm bạc tiền,
Bởi vì thổ sảng điền viên cả ngàn.
Chín tổng trong chín mươi làng,
Ruộng thuộc ruộng khẩn muôn vàng biết nhiêu.
Vườn nhờ huê lợi cũng nhiều,
Bông hoa cây trái mỹ miều thường niên.
Minh chứng cho sự phồn thịnh của Cần Thơ, hẳn phải nhắc đến “chợ”. Điểm chung của cả “chợ nổi” và “chợ cạn” Cần Thơ đều gợi bầu không khí buôn bán tấp nập. Nếu chợ nổi tỏ ra nét truyền thống đặc sắc gắn liền với hình ảnh sông nước thì “Chợ Lục Tỉnh" vừa có nét cổ điển, vừa rất ra dáng “đô thị của miền Tây":
“Nước biếc non xanh
Người bạn lành khó kiếm
Đây em cũng hiếm
Chưa lựa được chỗ nào
Mảng lo mua bán ra vào Cần Thơ”.
Địa điểm này chính là khu nhà lồng chợ cổ, trước đây từng là nơi trung chuyển bao nhiêu thổ sản giữa các tỉnh, tuy rằng sau này Cần Thơ có thêm chợ nổi nên “Chợ Lục Tỉnh” này cũng nhường bớt đôi ba phần nhộn nhịp. Ngày nay, chợ cổ Cần Thơ vẫn là biểu tượng bền lâu của xứ sở, nơi đây về đêm cũng trở nên cổ kính lung linh dưới ánh đèn huyền ảo hắt lên bao hồi ức. Người dân Cần Thơ thường ngày gọi là “chợ cổ" cách quyến luyến, như cách họ nâng niu một vẻ trầm mặc tưởng đối trọng với gương mặt Cần Thơ khi nhộn nhịp, rộn ràng buổi sớm bán buôn- hình ảnh đầy tự hào của quê hương.
Cảnh sắc ở đây cũng không chỉ đẹp bởi danh lam thắng cảnh, vì hoa trái thổ sản giàu có mà còn đẹp khi mang không khí rộn ràng khi người dân xuôi ngược chài lưới, bán buôn; đẹp bởi bức tranh động trên khu chợ nổi:
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”.
Nhắc đến cuộc sống lao động, nhắc đến chợ nổi Cái Răng lại gợi đến chuyện đợi mùa lũ về. Đây luôn là đặc trưng của người vùng miền Tây Nam Bộ, người Cần Thơ cũng truyền miệng câu tục ngữ:“Mồng bảy nước chảy, mười bảy nước ròng". Chỉ cần thấy cách người dân nơi đây mong ngóng, mừng vui trước mùa nước nổi để thu hoạch cây trái, vào mùa nước nổi để đánh bắt cho đầy, để chài lưới bỏ mối là đã cảm nhận được tinh thần lạc quan, hăng say lao động đáng quý.
Nhưng đặc biệt là ta còn thấy được cả cái tư thế ung dung hoà mình với đời sống, đây là điểm rất đáng yêu ở họ. Công việc mưu sinh hàng ngày ai bảo không vất vả. Thế nhưng đáng chú ý là những nét “tất bật”, “cơ cực" có thể là những gì mà người ngoài quan sát bức tranh lao động nơi đây, còn bản thân những người đang lao động lại như khua tay mà rằng:
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời”.
Người vùng này thường “nói chơi” rằng về nơi này là “khổ", nhưng thực ra họ lại chính là những người lao động bản lĩnh, họ cũng là những người đồng mình biết yêu chiều cái đẹp, cái bình yên của quê hương và biết sức lao động mình cũng đang làm đẹp cho quê hương. Có lẽ vì “cá tính” này của Cần Thơ nên nhà nghiên cứu âm nhạc Lư Nhất Vũ cũng phát hiện ra rằng đặc trưng trong câu hò của người Cần Thơ không phải mang sắc thái bi luỵ. Thay vào đó, âm hưởng cứ thế du dương cứ hoài man mác:
“Hò ớ ơ ớ ơ…. uống ngụm nước trong
Em nhớ dòng sông"
Còn biết được rằng ở một trong ba điệu hò nổi tiếng ở Cần Thơ là hò cấy (bên cạnh hò huê tình, hò mái dài). Câu hò gợi lên hình ảnh người vùng châu thổ bên đồng lúa làm lụng chăm chỉ và không thiếu cách để tạo niềm vui trong lao động. Bách niên điệu hò Cần Thơ quả thực khiến cho ai nghe được câu hò, ai thấy được cảnh hò đều như thưởng phải đặc sản mùi mẫn. Lời hò thân tình, người hò thì hệt như người nghệ sĩ, bận việc đồng áng cũng chẳng lỡ nhịp buông câu.
Chẳng hay mỗi người vì mối duyên thế nào mà đến với Cần Thơ nhưng nếu là được se duyên bằng lời ru ầu ơ, bằng từng nhịp khúc hát dân ca hay qua từng điệu lý câu hò nơi đây thì chỉ có thể là chung lòng cảm thán. Trước mắt ta, bên tai ta, xung quanh ta là cả miền đất khoảng trời đẹp vời vợi, đó là vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người, là vẻ đẹp diệu kỳ và âm thanh sống động của Cần Thơ. Vùng đất này xưa kia phải trải qua bao trận binh biến, bao công gầy dựng mới có thể trở thành xứ sở Tây Đô sông nước khi nhộn nhịp, khi có cái chất “thong dong”, yên bình. Để rồi, dù là người đồng mình, là người xứ ngoại hay khách lãng du cũng phải đem lòng mộ điệu. Phải khi xa rồi tấc lòng lại cứ lâng lâng, tiếng hò dài như níu lại. Đại từ phiếm chỉ “ai" đặc trưng trong ca dao dân ca, trong câu lý điệu hò giờ dường như lại đang gọi chính ta. Giờ người có đi xa thì tình đất tình người Cần Thơ cũng vẫn nặng tình nặng nghĩa, vẫn chắc dạ bền lòng như lắng bồi châu thổ:
Hò ơ ớ ơ ớ ơ
Chớ Cái Răng chợ nổi… vẫn chờ đợi ai…