Bài liên quan |
Các yếu tố “kìm chân” lợi nhuận ngân hàng nhìn từ doanh nghiệp niêm yết |
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng Quý II/2024: Điểm sáng đến từ Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) |
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng trong hai năm 2024 và 2025 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động, nhờ khai thác hiệu quả các thế mạnh kinh doanh, có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 20%. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ hơn, có quy mô hoạt động hạn chế, dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 8%.
Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh trong năm 2025 |
VCBS dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 14-15% trong năm 2025. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bao gồm mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu vốn vay; sự gia tăng tín dụng bán lẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh và vay mua nhà; và tín dụng bán buôn duy trì ở mức ổn định. Về lãi suất, VCBS cho rằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ thêm khoảng 0,2-0,3 điểm % vào cuối năm 2024 do áp lực từ tỷ giá và lạm phát, cũng như nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng để đáp ứng tín dụng. Sang năm 2025, lãi suất huy động dự kiến sẽ đi ngang khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Mặc dù lãi suất có thể tăng nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức thấp, tương tự như giai đoạn dịch Covid-19, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giữ ở mức thấp đến giữa năm 2025 nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng sẽ có sự phân hóa theo từng nhóm ngành. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ, trong khi các ngành có mức độ phục hồi nhanh nhưng rủi ro cao như bất động sản và xây dựng, lãi suất cho vay có thể tăng theo đà của lãi suất huy động. Cùng với đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2025. Điều này có được nhờ chi phí vốn được hỗ trợ bởi lãi suất huy động thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt, kéo giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, việc không còn dư địa để giảm lãi suất đầu ra cũng góp phần ổn định và nâng cao NIM. Những ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, chất lượng tài sản tốt và tập khách hàng có khả năng trả nợ tốt sẽ là những đơn vị có tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ nhất.
Chất lượng tài sản toàn ngành được dự báo sẽ cải thiện cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước dành cho khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chất lượng tài sản cũng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt dự kiến kiểm soát được nợ xấu ở mức vừa phải, trong khi áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu ở một số ngân hàng với tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi nếu Thông tư 02 không được gia hạn sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực bất động sản, năng lượng, với khối lượng trái phiếu đến hạn lớn cũng có nguy cơ chịu áp lực nợ kéo theo trên hệ thống thông tin tín dụng (CIC).
Đặc biệt, những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng tăng cao, đặc biệt trong quý IV/2024 và năm 2025. Nhìn chung, VCBS nhấn mạnh rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là trụ cột hỗ trợ nền kinh tế, song cũng cần cảnh giác với các rủi ro từ lãi suất, tín dụng và chất lượng tài sản trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.