Trong khi nghi vấn Tập đoàn Asanzo giả mạo xuất xứ sản phẩm, bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang được làm rõ thì việc thế nào là hàng Việt Nam, hàng lắp ráp tại Việt Nam hay hàng "made in Vietnam" đang được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm.
Quy định gây khó
Không chỉ Asanzo, rất nhiều DN đang nhập linh kiện, sản phẩm nước ngoài, mà phần lớn từ Trung Quốc, về lắp ráp hoặc DN đem sản phẩm ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) gia công cũng đang lấn cấn liệu gắn mác "made in Vietnam" lên các sản phẩm này có vi phạm pháp luật?
Câu hỏi này không dễ có đáp án đúng bởi hiện nay, quy định thế nào là hàng Việt vẫn còn tù mù, đánh đố cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Theo TS Châu Huy Quang (luật sư điều hành Rajah & Tann LCT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), pháp luật Việt Nam đã có quy định khung về các nguyên tắc chung ghi nhãn hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: ghi cụm từ "sản xuất tại" ("produced in") hoặc "chế tạo tại" ("manufactured in") hoặc "nước sản xuất" ("made in"), "xuất xứ" ("origin") hoặc "sản xuất bởi" ("produced by"), kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa đó.
Quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa tại một quốc gia nhìn chung yêu cầu quốc gia đó phải là nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa. Về cơ bản, nếu một hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc có công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam thì có thể xem là có xuất xứ Việt Nam, được phép ghi thông tin xuất xứ "Made in Vietnam" trên nhãn hàng hóa. Công đoạn cuối cùng phải là công đoạn sản xuất cuối, trọng yếu làm thay đổi cơ bản trị giá hàng hóa đó. Các công đoạn gia công, chế biến, đóng gói giản đơn sẽ không được xét đến.
Cụ thể hơn, pháp luật quy định 2 tiêu chí cơ bản để xác định một sản phẩm có được coi là đáp ứng xuất xứ của một nước nào đó nói chung hoặc xuất xứ Việt Nam nói riêng. Thứ nhất, là tiêu chí "Chuyển đổi mã số hàng hóa" (tiêu chí CTC). Theo đó, hàng hóa thành phẩm cần có sự thay đổi về mã HS của hàng hóa so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó. Ví dụ, nếu Asanzo nhập linh kiện đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa thành phẩm sản xuất ra có tính chất khác biệt với sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu thì được phân loại vào một mã HS khác với mã HS áp cho sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu thành phẩm vẫn chỉ được xếp vào cùng nhóm mã HS với chính sản phẩm nhập khẩu về thì hàng hóa đó sẽ không đáp ứng tiêu chí CTC.
Thứ hai, là tiêu chí "Tỉ lệ phần trăm giá trị" (tiêu chí LVC), quy định giá trị nội địa (nhân công, nhà xưởng, nguyên liệu trong nước…) phải chiếm một tỉ lệ nhất định trong giá trị hàng hóa, tùy theo sản phẩm. Tỉ lệ yêu cầu phổ biến khoảng 30%-35%.
"Nói tóm lại, một sản phẩm nếu không sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc có xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, muốn ghi xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam) cần đáp ứng một trong 2 tiêu chí trên. Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do cơ quan nhà nước cấp có thể được coi là văn bản chính thức xác nhận xuất xứ của một hàng hóa cụ thể" - luật sư Quang phân tích.
Mặc dù trên lý thuyết đã có quy định hướng dẫn cách ghi nhãn hàng hóa nhưng theo luật sư Quang, khung pháp luật này còn khá chung chung, gây khó cho khâu thực hiện, dễ bị lạm dụng để lách luật. Quy định cho phép lựa chọn ghi cụm từ "produced in", "manufactured in", "made in", "origin" hoặc "produced by" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa đó; cách thức ghi không thống nhất này có thể tạo điều kiện cho DN lạm dụng ngôn từ, ngữ nghĩa trong cách ghi xuất xứ hàng hóa. Mặt khác, tiêu chí CTC khá chung chung và có thể dẫn đến cách diễn giải khác nhau. Còn về tiêu chí LVC, mức tỉ lệ phần trăm giá trị yêu cầu bao nhiêu cũng cần phải rà soát cho phù hợp từng mặt hàng và có hướng dẫn công khai cho DN và người tiêu dùng.
Nhập nhằng hàng Việt, hàng thương hiệu Việt
Trở lại trường hợp Asanzo, trả lời phóng viên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sản phẩm của Asanzo thuộc lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước và liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. "Tuy nhiên, theo quy định tại nghị định này, chưa có tiêu chí cụ thể quy định thế nào được gọi là hàng hóa Made in Vietnam" - lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận.
Bộ Công Thương cũng cho biết từ tháng 6-2018 đã báo cáo Chính phủ, xin phép xây dựng nghị định quy định về vấn đề này và đã được Thủ tướng chỉ đạo trên cơ sở Nghị định số 43, Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành thông tư quy định tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và của Việt Nam. Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục trao đổi, hoàn thiện vấn đề này.
Bộ Công Thương còn cho biết trong tài liệu tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được xây dựng và công bố vào tháng 11-2012, không sử dụng thuật ngữ "Made in Vietnam" mà chỉ có 2 khái niệm về hàng Việt Nam và hàng hóa thương hiệu Việt. "Cụ thể, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Còn hàng hóa thương hiệu Việt là sản phẩm do các DN, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam" - lãnh đạo bộ này giải thích. Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ trong nước chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Chất lượng; Luật Đo lường; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật…
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng việc DN ghi nhãn "Made in Vietnam" trong khi hàm lượng sản xuất ở Việt Nam rất ít xuất phát một phần từ thực tế chưa có quy định rõ ràng thế nào là "Made in Vietnam". "Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào, đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam nhưng lại chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu. Cũng chưa có quy định nào cho phép lấy các tiêu chí của thông tư nói trên để coi đó là hàng Việt Nam hay hàng sản xuất tại Việt Nam" - vị chuyên gia nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng trong nền kinh tế phẳng, việc phân công lao động, hình thành chuỗi cung tại nhiều quốc gia rất phổ biến. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể để tránh lúng túng trong việc phân định sản phẩm là "hàng Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam", cũng nhằm tránh sự gian dối của một bộ phận DN lợi dụng kẽ hở của chính sách để giả mạo. Khái niệm "Made in Vietnam" là quá chung chung, không còn phù hợp với tình hình phát triển của sản xuất. Cần phổ biến những cách ghi nhãn khác như "lắp ráp tại…", "thiết kế bởi…", vừa phản ánh đúng quy trình vừa bảo đảm tính trung thực trong công bố xuất xứ.
Đừng để mất niềm tin của người tiêu dùng
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đặt vấn đề cần xem xét kỹ đối với các DN dùng sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Ông cũng nêu quan điểm nếu DN nhập khẩu toàn bộ thành phẩm, về Việt Nam gỡ bỏ nhãn mác gốc để gắn mác Việt Nam rồi bán ra thị trường thì không thể chống chế gọi đó là hàng Việt. "DN có thể nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu nhưng phải sản xuất trong nước, ít nhất là công đoạn lắp ráp trong nước mới gọi là "Made in Vietnam". Giày và quần áo Nike, Taylor... trên thế giới hầu hết đều ghi "Made in Vietnam" nhưng từ thiết kế, công nghệ, nguyên liệu đều của nước ngoài. Vì vậy, DN phải rõ ràng, sòng phẳng với người tiêu dùng chứ không được lấp liếm, chống chế gây mất niềm tin vào hàng Việt" - ông nêu rõ.
PV