Theo dự báo của đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Kiên Giang, mực nước các trạm nội đồng Kiên Giang có xu thế xuống nhanh trong tháng 2 và tháng 3/2021. Khả năng độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào đợt triều cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2021, độ mặn cao nhất ở mức tương đương mùa khô 2015-2016. Do đó, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của nhân dân trong khu vực, giảm chi phi đắp đập tạm ven sông Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan về việc đưa vào vận hành tạm thời cống Cái Bé trong mùa khô 2021.
Cống Cái Bé nằm trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé có quy mô hoành tránh, có vốn đầu tư lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và được kỳ vọng tạo ra một nền tảng sản xuất vững chắc cho gần 385.000 ha đất nông nghiệp các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Hiện cống Cái Bé đã hoàn thành 100% các hạng mục chính và có khả năng đưa vào sử dụng.
Về phương thức vận hành, hiện độ mặn tại ngã ba kênh Trâm Bầu cách cống Cái Bé khoảng 16km về phía thượng lưu cống đã vượt mức 1g/l, dự báo tiếp tục tăng. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 vận hành đóng 2 cửa van để ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời vận hành âu thuyền cống Cái Bé để điều tiết giao thông thủy. Trong thời gian vận hành âu thuyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương huyện Châu Thành thường xuyên theo dõi mức độ ô nhiễm phía thượng lưu cống và mực nước thượng lưu, hạ lưu cống, thông báo lịch mở cống cụ thể từng thời điểm để Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thực hiện và nhân dân biết, chủ động trong sản xuất, giao thông thủy. Thời gian mở cống vào lúc triều thấp, đóng lại khi triều cao. Trong quá trình vận hành, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cử lực lượng điều tiết đảm bảo an toàn giao thông thủy, tuyệt đối an toàn cho công trình.
Trần Hà