Vai trò của lao động nữ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN
Diễn đàn Đông Á vừa đăng bài viết của các tác giả Elizabeth Hill, Marian Baird và Michele Ford thuộc trường Đại học Sydney về vai trò và sự cần thiết của tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực chăm sóc để phát triển lực lượng nữ giới tham gia nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đến năm 2025, GDP toàn cầu được dự đoán sẽ tăng tương đương 27.000 tỷ USD nếu nữ giới được tham gia vào các công việc có trả lương ngang bằng với nam giới.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu này đạt được, ai sẽ là người chăm sóc trẻ em, người già, người tàn tật và người bệnh? Mặc dù, cả nam giới và nữ giới đều tham gia làm việc trong lĩnh vực chăm sóc nhưng ước tính trên toàn thế giới, 3/4 số lao động không được trả lương trong mỗi quốc gia và cộng đồng lao động làm các công việc liên quan tới chăm sóc là phụ nữ.
Căng thẳng trong vấn đề nữ giới tham gia vào công việc chăm sóc được trả lương và không được trả lương đặc biệt gay gắt ở các nước châu Á và Thái Bình Dương. Ở khu vực này, số nữ giới làm việc không được trả lương cao gấp bốn lần so với nam giới. Phải quản lý các công việc không được trả lương đã khiến việc tăng cường tham gia thị trường việc làm được trả lương ở mức tương xứng với trình độ giáo dục và đào tạo của nữ giới gặp khó khăn.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Lực lượng lao động của khu vực này rất đa dạng và thay đổi nhanh. Tăng trưởng kinh tế mang tới các cơ hội mới cho nữ giới. Hàng trăm nghìn phụ nữ trẻ tại các khu vực nông thôn đã bị lôi kéo vào làm việc tại các nhà máy.
Những người biết nói tiếng Anh được tuyển dụng vào các tổng đài chăm sóc khách hàng và trung tâm hành chính văn phòng, trong khi những người khác có trình độ giáo dục cao có thể kiếm được việc làm tại các công ty địa phương và toàn cầu, tham gia đầy đủ vào các dịch vụ chuyên nghiệp.
Bối cảnh việc làm thay đổi, bên cạnh sự chuyển mình của xã hội và kinh tế, có ý nghĩa quan trọng đối với các hộ gia đình và công việc chăm sóc truyền thống được thực hiện bởi phụ nữ.
Dữ liệu từ Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar cho thấy có một số điểm chính cần giải quyết nếu nữ giới tham gia vào công việc được trả lương gia tăng. Tại cả 4 quốc gia này, tỷ lệ tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động vẫn thấp hơn nam giới, bất chấp sự gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2000.
Tỷ lệ việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao và phổ biến trong khu vực. Hầu hết số phụ nữ đang làm các công việc được trả lương vẫn nằm ngoài phạm vi của luật lao động và có rất ít hoặc thậm chí không có quyền được hưởng các biện pháp bảo vệ của xã hội quan trọng, như quyền nghỉ thai sản có lương.
Ngay cả khi phụ nữ thuộc nhóm có việc làm chính thức và được luật lao động bảo vệ, vấn đề là công tác thực thi các luật này vẫn còn lỏng lẻo, không đủ năng lực bảo vệ họ trong cuộc sống hàng ngày. Khoảng cách về giới, khả năng tiếp cận hạn chế trong phát triển nghề nghiệp và việc phụ thuộc vào các liên kết “ngầm” của vai trò quản lý cấp cao đã làm suy yếu sự gắn kết của phụ nữ với thị trường lao động.
Nhu cầu chăm sóc đang ngày càng tăng. Tại Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar, mặc dù tỷ lệ sinh đã giảm xuống, nhưng việc chăm sóc trẻ em vẫn là vấn đề cấp bách. Tỷ lệ dân số già đi nhanh chóng cũng đang tăng, đòi hỏi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo dự đoán, sẽ có từ 6 đến 10% dân số tại cả bốn quốc gia này nằm trong độ tuổi trên 65 vào năm 2026.
Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)