Ủy ban Kinh tế nêu lý do nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh

22:48 09/05/2023

7 tháng qua, giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Báo cáo thẩm tra về kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 23 ngày 9/5 đã nêu ra nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.

Trong 7 tháng qua, giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số địa phương.

Ủy ban Kinh tế nêu lý do nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh
Ủy ban Kinh tế nêu lý do nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính là do cách tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập. Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng Quỹ bình ổn thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà quỹ không còn, giá trong nước sẽ cao hơn thế giới.

Trước đó, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bằng cách tăng cường dự trữ xăng dầu.

Năm 2022, Nhà nước phải bỏ 9 tỉ USD để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước khoảng 70%. Chưa nói đến đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đã đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ lớn như thế nào. Với Việt Nam, bình quân mỗi năm, kho dự trữ xăng dầu của ta có 370.000 m3, tương đương 3 triệu lít. Năm 2022 đã phải tăng so với 2021 là 28% chi tiêu cho xăng dầu để nhập khẩu.

P.V (t/h)