Căng thẳng thương mại khiến giá vàng biến động với những ghi nhận kỉ lục về giá. Cụ thể, giá vàng trong nước và quốc tế đã có những màn "nhảy múa" đồng loạt bật tăng mạnh và theo nhiều chuyên gia dự đoán thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong những phiên giao dịch trong những ngày tới. Trước tình hình này, nhiều hội nhóm mua bán vàng online công khai được lập ra trên các trang mạng xã hội dưới tên nick tài khoản ẩn danh hoặc các nick ảo, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, về chất lượng, nếu người mua không tỉnh táo sẽ dễ mắc bẫy của các đối tượng trục lợi bất chính.
![]() |
Nhiều đối tượng đăng bài mua bán vàng công khai trong các hội nhóm (ảnh: chụp màn hình từ group "Cộng đồng trao đổi- mua bán vàng 9999") |
Theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chỉ các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép mới được kinh doanh mua bán vàng miếng. Việc người tiêu dùng thực hiện giao dịch với các app không rõ nguồn gốc hoặc không thuộc doanh nghiệp được cấp phép có thể dẫn đến nhiều rủi ro và không được pháp luật công nhận.
Thứ nhất, không được pháp luật bảo vệ về quyền lợi:Trong trường hợp xảy ra khiếu nại hoặc tranh chấp thì người tiêu dùng rất khó để chứng minh đã từng giao dịch với đối tượng cụ thể từ đó gây thiệt hại về tài sản.
Thứ hai, rủi ro về việc giao dịch chuyển tiền vào tài khoản cá nhân: Khi một số app không chính thống hoặc các đối tượng lừa đảo yêu cầu người mua dùng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không đứng tên pháp nhân. Hành vi này không tuân thủ quy định pháp luật về thanh toán và tiềm ẩn nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Phòng, chống rửa tiền.
Thứ ba, Giao dịch vàng ảo, đầu tư lãi suất cao không minh bạch: Một số nền tảng trá hình quảng bá hình thức đầu tư vàng ảo, đầu tư lãi suất cao mà không có đảm bảo tài sản thực tế. Đây có thể là hành vi lừa đảo có tổ chức, vi phạm pháp luật hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, luật sư Phạm Ngọc Trang - Giám đốc công ty luật Toàn cầu ĐTG (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết: "Trong thời đại số hóa, việc mua bán vàng thông qua các ứng dụng (app) trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hình thức giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng nếu người tiêu dùng thiếu sự thận trọng, đặc biệt là khi bị cuốn vào những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng cần hiểu rõ những rủi ro pháp lý có thể phát sinh cũng như chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết."
Thông tin với Tạp chí, luật sư đã đưa ra 6 khuyến nghị giúp người tiêu dùng tránh rơi vào "bẫy" lừa đảo:
1. Kiểm tra rõ ràng tính pháp lý của ứng dụng giao dịch;
2. Tuyệt đối không chuyển khoản vào tài khoản không minh bạch;
3. Yêu cầu cung cấp hợp đồng và hóa đơn hợp lệ;
4. Tránh các hình thức đầu tư "vàng ảo", "vàng ký quỹ" hoặc mô hình đa cấp trá hình;
5. Cập nhật, theo dõi thông tin từ các cơ quan nhà nước, báo chí chính thống;
6. Chủ động tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính hoặc luật sư.
Mỗi giao dịch tài chính, đặc biệt là giao dịch vàng đều cần sự cẩn trọng, minh bạch và có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý. Việc nâng cao kiến thức pháp luật, chủ động xác minh thông tin và giữ tinh thần cảnh giác là những biện pháp hữu hiệu nhất giúp người tiêu dùng bảo vệ tài sản, tránh rơi vào bẫy của những đối tượng xấu trong không gian mạng.