Bài liên quan |
Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp |
Đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2025 |
![]() |
Kích cầu tiêu dùng nội địa: Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với xu hướng mới |
Tại Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng tổ chức ngày 22/4 tại TP.HCM, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh: trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chiến tranh thương mại leo thang và biến động tỷ giá, thị trường tiêu dùng nội địa đang chịu sức ép lớn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thích nghi với các xu hướng mới như mua sắm trực tuyến và tiêu dùng bền vững.
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt, với xu hướng chuyển từ mua sắm truyền thống sang nền tảng số. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa đủ năng lực để đầu tư và triển khai hiệu quả các kênh bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, yêu cầu về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện môi trường ngày càng cao, nhưng phần lớn doanh nghiệp nội địa chưa theo kịp xu thế tiêu dùng xanh, bền vững.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp địa phương còn gặp trở ngại khi tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục hành chính phức tạp. Trong khi đó, thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, gây sức ép lớn lên tiêu thụ hàng hóa nội địa.
![]() |
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt, với xu hướng chuyển từ mua sắm truyền thống sang nền tảng số. |
Trước những khó khăn nêu trên, đại diện hệ thống bán lẻ WinCommerce kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như việc giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu theo Nghị quyết 174/2024/QH15 và Nghị định 180/2024/NĐ-CP, nhằm duy trì sức mua và kích cầu tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh chính sách thuế, các doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền địa phương cần hỗ trợ tốt hơn trong việc tiếp cận quy hoạch thương mại, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại bán lẻ và logistics tại từng vùng, địa phương. Việc phát triển đồng bộ hệ thống logistics sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hàng hóa ngoại nhập ngày càng mạnh.
Đáp lại các kiến nghị, đại diện Bộ Công Thương cho biết ngành công thương đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể nhằm kích cầu tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước trong năm 2025. Trong đó, từng địa phương sẽ được giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho ngành bán lẻ, cùng với sự phối hợp giữa các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, để xây dựng một thị trường nội địa hiện đại, năng động và bền vững, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi: từ sản xuất, phân phối, tiêu dùng đến tài chính, quản lý nhà nước. Đây chính là chìa khóa để nâng cao nội lực, giữ chân người tiêu dùng trong nước và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.